Cài đặt tùy chỉnh
Bà Dì Lắm Trò
Chương 3
Ngày cập nhật : 23-03-20257
Ra khỏi cửa rồi mà đầu óc tôi vẫn còn lơ mơ.
“Mẹ ơi, lúc nãy mẹ ngầu quá trời luôn á!”
Tôi nhìn mẹ—vừa bước ra khỏi nhà đã len lén lau nước mắt, còn cố tình né ánh mắt tôi—không nhịn được mà phì cười.
“Có phải mẹ quá nhẫn tâm không? Lại dám nói mấy lời đó với chính mẹ ruột của mình…”
Mẹ hơi ngơ ngác, ánh mắt mang theo buồn buồn, rối rắm, như thể chính bà cũng không tin mình vừa nói ra những điều đó.
“Không, mẹ làm vậy là để bảo vệ con. Mẹ là người dũng cảm nhất thế giới này.”
Mẹ vẫn còn chút do dự và lo lắng trên mặt.
Tôi lập tức ngắt lời: “Mẹ ơi, đừng mềm lòng nữa, con đói rồi, mẹ không đói sao?”
Bà già đó đâu có chuẩn bị gì cho mẹ con tôi ăn đâu, bàn ăn bừa bộn, nhìn một phát là biết để phần cho mẹ tôi tới… dọn dẹp.
Tôi thì đời nào chiều ý họ: “Đi thôi mẹ, hôm nay con đãi mẹ ăn một bữa thật ngon.”
Tưởng đâu mọi chuyện đến đây là khép lại.
Ai ngờ đâu, họ đúng là kiểu đầu đâm vào tường mới chịu dừng.
Vốn dĩ sau vụ căng thẳng lần trước, mẹ con tôi đã bàn nhau tết năm nay sẽ không tham dự bữa cơm tất niên của đại gia đình.
Gió lạnh cắt da, cuối tháng Chạp, ai cũng nên yên ổn đón tết.
Mẹ tôi lúc đầu còn rất kiên quyết không đi.
Nhưng đúng thời điểm đó, lại có mấy bà con xa gần như chẳng liên quan gì lắm gọi tới:
“Bình à, mẹ mày hôm qua lại lên huyết áp, miệng thì cứ gọi tên mày mãi, mày không tính về thăm một chút à?”
Ngay sau đó là giọng bà ngoại ho sù sụ qua điện thoại: “Nó đã vô tình như thế, tôi có chết cũng không cần nó về nhìn mặt!”
Không biết dì tôi là thật lòng hay giả bộ, nhưng cũng vội vàng chêm vào:
“Chị Bình à, nếu chị giận em vì mấy lời lúc đó, được! Em xin lỗi chị. Nhưng mẹ mình miệng thì cứng, lòng lại mềm, tụi em đâu ngờ chị lại có nhiều uất ức như vậy. Mẹ bệnh thế kia, chị thật sự nỡ không về thăm sao?”
Mẹ tôi tắt máy, ngồi trên ghế salon mãi chẳng nói gì.
Còn tôi… cũng chùn lòng một chút. Dẫu sao thì tình thân đúng là thứ phức tạp chết tiệt.
Tết năm nay, bữa cơm tất niên vẫn tổ chức ở nhà bà ngoại như mọi khi.
Mẹ và tôi do dự, cuối cùng vẫn mua chút quà biếu, ít đồ ăn tết rồi cùng nhau đến.
Nhưng chúng tôi không hề biết rằng, bữa tiệc này—là một cái bẫy long trọng dành cho tôi.
Vừa đẩy cửa vào, không khí náo nhiệt bỗng như đông cứng lại.
Nhìn thấy mẹ con tôi, dì tôi bỗng như biến thành người khác, tươi cười hớn hở chạy ra đón.
“Tưởng hai người thật sự không đến nữa chứ!”
Tôi hơi ngạc nhiên, chớp chớp mắt, tưởng đâu bà bị ai nhập rồi.
“Đường trơn quá, xe đi chậm.”
Mẹ tôi giải thích, tay xách theo bao nhiêu là quà bước vào nhà.
Bà ngoại ngồi chễm chệ ở ghế chủ tọa, xung quanh là đám họ hàng nịnh nọt như vây quanh minh tinh. Thấy mẹ con tôi tới, mặt bà cũng hòa hoãn hơn một chút.
“Được rồi, đến rồi thì vào ngồi đi.”
Như thể mấy chuyện căng thẳng lần trước chưa từng xảy ra.
Tôi đang định ngồi cạnh mẹ thì dì tôi bất ngờ kéo tay tôi lại, cười tươi rói: “Thịnh Thư, qua đây ngồi, chỗ này để dành riêng cho con đó.”
Tôi vốn đã không ưa cái kiểu bị ép ngồi chỗ người khác chỉ định, ai ngờ chuyện khó chịu thực sự còn nằm phía sau.
“Đây là cháu gái của nhà chị đó hả?”
Một người phụ nữ lạ mặt đột ngột nắm lấy cổ tay tôi, nhìn tôi từ đầu đến chân như đang ngắm một món hàng, ánh mắt khiến tôi vô cùng khó chịu.
“Đúng rồi, con bé mới tốt nghiệp đại học năm nay. Tôi vẫn nói con gái học nhiều làm gì, cuối cùng cũng là để lấy chồng thôi mà.”
Dì tôi nhanh nhảu tiếp lời.
Lúc này tôi mới để ý, ngoài mấy người thân quen, bàn ăn còn xuất hiện một cặp vợ chồng tôi chưa từng gặp bao giờ.
Người phụ nữ kia vẫn nắm chặt cổ tay tôi, lực mạnh đến mức làm tay tôi đỏ ửng. Tôi theo phản xạ muốn rút lại.
“Nhìn mặt thì tươi tắn đấy, nhưng người gầy quá, sau này khó đẻ lắm.”
Lời nhận xét trơ tráo đó khiến sắc mặt tôi trầm hẳn.
“Thịnh Thư, cái mặt đó là sao đấy hả? Đây là chú thím Vương ở huyện bên cạnh, con phải lễ phép chứ!”
Dì tôi lập tức đổi tông, nghiêm giọng như thể tôi làm gì thất lễ lắm.
“Thôi kệ đi, mấy đứa con gái học nhiều hay ngạo mạn lắm, tôi quen rồi.”
Người phụ nữ được gọi là “thím Vương” xua tay tỏ vẻ không chấp.
“Con gái lớn rồi, đầu óc cứ bay nhảy không ai quản nổi. Giờ tìm cho nó nhà chồng để ‘dạy bảo’ lại là đúng lúc đó.”
Bà ngoại cũng chen vào: “Tôi thấy con trai nhà anh chị cũng đang độc thân mấy năm nay, hay để con bé Thịnh Thư nhà tôi và cậu ấy tìm hiểu nhau một chút, có khi lại nên duyên?”
Tới đây thì ai còn không hiểu ý đồ thì đúng là quá ngây thơ rồi.
Mẹ tôi cau mày: “Thịnh Thư mới tốt nghiệp, chuyện yêu đương hay kết hôn chưa vội đâu. Tôi vẫn muốn giữ con bên mình thêm vài năm nữa.”
Tiếc thay, bà ngoại tôi rõ ràng đã quên lần trước bị mẹ tôi vả mặt thế nào.
Bà ta thẳng thừng chẳng để mặt mũi ai: “Cái tuổi này mà không cưới thì định bao giờ nữa? Hồi bằng tuổi nó, tụi tôi đã bồng con rồi!”
Dì tôi lại thêm dầu vào lửa: “Thì cũng là người một nhà, chẳng lẽ chúng tôi lại hại nó chắc?”
Mẹ tôi tức đến nghẹn họng, nhưng bao năm được dạy phải nhẫn nhịn khiến bà không biết phải phản bác thế nào.
Thế thì để tôi mở lời vậy.
Tôi vẫn giữ nguyên nụ cười: “Mẹ tôi chẳng qua là không nỡ rời con gái thôi mà. Ừ thì dì ruột, bà ngoại ruột mà, làm sao có thể hại con được, đúng không?”
Mẹ tôi tròn mắt nhìn tôi—con bé từ trước tới nay nghe tới hai chữ “kết hôn” là nổi sùng, vậy mà hôm nay lại “thuận theo tự nhiên” như vậy?
Dì tôi mừng rỡ ra mặt: “Đấy thấy chưa! Dì chọn cho con một đối tượng đúng kiểu 'vàng mười không tạp chất', chứ không thì ai mà dì thèm giới thiệu!”
Dì ra hiệu cho thím Vương lấy điện thoại, mở hình ra: “Không phải tôi nói chứ, con trai nhà này tuy lớn tuổi hơn con một chút, nhưng làm lãnh đạo trong cơ quan đó nha. Giờ người ta ngán mấy thằng hào hoa lắm, đàn ông trưởng thành mới biết thương vợ con...”
Tôi chẳng buồn nghe cái bánh vẽ dài dằng dặc đó nữa. Cầm lấy điện thoại, liếc ảnh một cái: ôi chao, suýt nữa muốn móc mắt cho rồi.
Cái mặt tròn lẳng như bánh bao, hai con mắt như hạt đậu, kính thì dày như đáy chai bia, cười lên một phát lòi cả hàm răng vàng khè—đúng kiểu hút thuốc uống rượu không thiếu ngày nào.
Chuẩn thật, đúng là “vàng mười”, chỉ tiếc là vàng dỏm!
Càng nhìn tôi càng nắm chặt tay.
Mà đúng lúc đó, dì tôi còn ghé tai tôi thì thầm: “Dì nói cho con nghe nè, đừng nhìn mặt mà bắt hình dong, người ta...”
8
Tôi hít sâu một hơi, vận hết mười mấy năm giáo dưỡng mới có thể kiềm chế không ra tay mà chỉ... cắt lời:
“Chú kia, người dắt tay ông ấy là em gái ổng hả? Nhìn khá giống đấy.”
Mặt dì tôi cứng đờ thấy rõ: “Cái này... không phải em gái…”
Trước ánh nhìn soi mói của tôi, bà ta chột dạ, cúi đầu nói như muỗi kêu: “Là con gái người ta…”
Tôi nghe thấy rất rõ, dì tôi còn cố chữa: “Dù người ta đã ly dị, nhưng người ta có tiền, lại biết thương vợ. Với lại không phải con vẫn hay nói không muốn sinh con sao? Vừa hay, ông ấy cũng sẽ không ép con sinh, quá hợp còn gì…”
Chưa kịp để tôi phản ứng, bà Vương đã lên tiếng chen vào: “Chỉ là con gái thôi thì chưa đủ! Nếu cháu gái cô cưới vào nhà tôi, thì ít nhất cũng phải sinh cho nhà tôi một đứa cháu trai mập mạp chứ!”
Già, xấu, ly dị, có con riêng, trọng nam khinh nữ…
Tuyệt thật, gom hết “buff tiêu cực” lại một chỗ cho tôi sao?
Tôi đứng phắt dậy, bước đến trước mặt dì tôi, mỉm cười.
“Tôi thì trí nhớ không tốt lắm, nhưng tôi nhớ là... tôi đã cho dì không ít mặt mũi rồi đấy.”
Rầm.
Tôi dứt khoát lật tung bàn tiệc, thức ăn văng tung tóe, sàn nhà hỗn độn.
Cả đám chết lặng. Vài giây trước tôi còn cười dịu dàng, giờ lại như hóa thành người khác.
Tay tôi dính đầy dầu mỡ, tôi liếc một cái, tiện tay kéo cái khăn quàng cổ của dì để lau tay.
Rồi tôi nhẹ nhàng vỗ vỗ lên mặt dì.
“Á! Thịnh Thư, mày điên rồi hả?!”
Dì tôi phản ứng lại, mặt đỏ gay vì tức, hất mạnh tay tôi ra.
Sắc mặt mọi người lập tức sầm lại.
Mấy họ hàng ngồi xem kịch từ nãy giờ cũng không ngồi yên nổi nữa—bàn tiệc bị lật rồi, không còn gì để ăn nữa.
Mợ bên ngoại của tôi lên tiếng trách móc, mắt đầy chê bai: “Con gái con đứa sao vô phép vậy? Tết nhất vui vẻ không lo, tự dưng lật bàn làm loạn cái gì?”
Bà ngoại cũng ôm ngực, chỉ tay vào tôi: “Con điên rồi à, Thịnh Thư?! Bình thường ở nhà mẹ con càn quấy thì thôi đi, giờ trước mặt khách khứa cũng không biết giữ thể diện sao?”
“Đúng đó! Đến là khách, con bé này đúng là không được dạy dỗ đàng hoàng.”
Một ông bác họ vốn chẳng thân thiết mấy cũng chen vào: “Không hiểu chị Bình dạy con kiểu gì nữa. Nhìn mẹ mình bị giận tới mức này còn không biết điều.”
Mặt chú thím Vương thì khỏi nói, tối sầm lại: “Tết nhất chưa nói được mấy câu mà đã lật bàn, kiểu này nhà tôi không dám cưới đâu.”
Chú Vương bực bội đứng lên: “Thôi khỏi ăn nữa!”
Dì tôi hoảng hốt muốn giữ lại, nhưng ông bà ấy đã đứng dậy đi rồi.
Tôi không ngại, bước nhanh ra mở toang cửa, dùng hai ngón tay gõ nhẹ lên trán, nở nụ cười nửa miệng: “Đi thong thả, khỏi tiễn!”
Chú Vương hừ lạnh một tiếng, thím Vương giận đến mức suýt nữa lăn ra ngất.
Quay lại nhìn—cả phòng đầy người giận dữ nhìn chằm chằm vào tôi và mẹ.
Nhìn cái cảnh cả đám người như một bầy thú dữ sẵn sàng xâu xé hai mẹ con tôi, đúng là buồn cười không chịu nổi.
Mẹ tôi trông thì thất vọng tột độ, nhưng không phải với tôi—mà là với những kẻ suốt ngày đội lốt “người thân” nhưng lại rắp tâm tính kế con gái bà.
Còn tôi? Tôi chẳng thất vọng đâu—từ đầu tôi đã chẳng trông mong gì rồi.
Giờ thì… tới tiết mục chính: “Thịnh Thư phát điên”.
Dì tôi lại bắt đầu màn hạ bệ quen thuộc, vừa dạy đời vừa chì chiết: “Không phải tôi nói chứ, cô cũng hơn hai mươi tuổi đầu rồi, ở nhà thì lười biếng, tính tình lại hung dữ, học đại học thì làm được gì, cuối cùng vẫn chỉ là con gái, không ai thèm lấy thì sao?”
Tôi ấn mẹ tôi ngồi xuống ghế, hít một hơi, một chân đạp lên ghế con, lấy khí thế “một mình cân cả họ hàng” mà lên tiếng:
“Cho mặt mũi thì bảo tôi chảnh, không cho thì bảo tôi không có giáo dục? Tôi ăn cơm nhà dì à?”
“Cô… cô…!”
“Cô cái gì mà cô? Tôi mạnh mẽ thì sao? Tôi có làm gì phạm pháp đâu! Còn Trương Văn Ức thì sao? Nhờ ngồi máy khâu trong trại giam mà ‘thức tỉnh năng lực siêu phàm’ chắc?
“Đúng rồi, học đại học vô dụng thật. Dù sao Trương Văn Ức cũng không cần học nữa, khỏi thi công chức luôn rồi, nhỉ?”
“Cô làm sao có thể ăn nói kiểu đó với người lớn chứ? Thật là độc mồm độc miệng!” – ông bác họ kia chịu không nổi nữa.
Tôi cười mỉa: “Mải coi kịch mà quên buộc miệng à?”
“Gọi là bác họ chứ gì? Cả ngày xúi bà ngoại tôi chuyển nhượng nhà cho ông, còn hứa chăm sóc bà sau này. Mà tôi nhớ năm ngoái bà nhập viện, ông có đem cơm được bữa nào không?”
“Cái đó… cô nghe đâu ra mấy chuyện bậy bạ đó chứ?!”
Mặt ông ta trắng bệch, chối không kịp.
“Cái gì?! Ông dám nhòm ngó nhà của mẹ tôi à?!”
Dì tôi quay ngoắt lại, thấy cái mặt chột dạ của ông ta thì hiểu ngay tôi không nói dối.
Lửa giận bốc lên, mắng bà ngoại: “Mẹ! Con mới là con gái ruột của mẹ! Ức Ức là cháu ngoại ruột của mẹ! Sao mẹ lại muốn đưa nhà cho thằng cháu họ?!”
Trò hề gia đình chính thức bắt đầu.
“Đừng nghe con nhỏ đó nói nhảm! Nó nói gì mày cũng tin à?”
Ông bác họ vội đẩy trách nhiệm. Nhưng dì tôi đã không buông tha nữa.
“Im cái miệng ông lại! Ông nghĩ tôi không nhìn ra mưu mô của ông chắc? Nói cho ông biết, cái nhà này sớm muộn gì cũng là của Ức Ức!”
Khung cảnh hỗn loạn cực độ—và tôi? Tôi sinh ra là để châm dầu vào lửa!
“Từ từ đã, nói vậy là không đúng rồi nhé. Cái nhà này mẹ tôi cũng bỏ 300 triệu vô tiền cọc đó, sao lại là của các người?”
Dì tôi gần như bốc hỏa, hét lên: “Mẹ mày chỉ đẻ mỗi mày là con gái, không phải con trai, sao có thể để lại cho mày?”
Tôi bình thản ngồi xuống, vắt chân chữ ngũ: “Nói chuyện thôi, đừng gào lên như chó hoang~”
“Á á á! Tao phải đánh chết mày, con quỷ cái này!”
Dì tôi cuối cùng cũng “vỡ trận”, lao lên định đánh, mẹ tôi chắn ngay trước mặt tôi: “Tôi xem hôm nay ai dám động đến con gái tôi!”
Cả nhà như cái chợ vỡ, còn tôi thì lè lưỡi chọc ghẹo dì, khiến bà ta vừa tức, vừa bất lực, vừa nghẹn muốn ngất xỉu tại chỗ.
9
Sắc mặt bình tĩnh của bà ngoại cuối cùng cũng bắt đầu rạn nứt.
Bà đập mạnh đũa bát trên bàn: “Tất cả im hết cho tôi! Tết nhất thế này, không thể yên ổn chút à?”
Dì tôi vẫn chưa chịu thôi, vẫn cay cú không cam lòng: “Không nói chuyện Trương Bình đã gả ra ngoài, thì cũng phải nói thẳng, họ là người ngoài, dựa vào đâu mà được chia tài sản của tôi?”
Bà ngoại lập tức đập vỡ cái tách trà, quát lớn: “Chia cái gì mà chia?! Tôi còn chưa chết mà đã coi tôi là ma rồi phải không?!”
Bà ngoại ngày xưa đã là người cứng rắn, giờ già rồi vẫn còn khí thế lắm.
Dì tôi bị dọa cho cụp cổ, cuối cùng cũng chịu im lại một chút.
“Tới thăm cũng thăm rồi, sắc mặt bà ngoại cũng hồng hào đấy... còn bữa cơm này.” tôi liếc qua đống hỗn độn dưới sàn, “thôi khỏi ăn nữa, đi thôi mẹ.”
Nói rồi tôi nắm tay mẹ chuẩn bị về thẳng.
Sắc mặt bà ngoại tối sầm: “Trương Bình, hôm nay cô bước ra khỏi cửa này thì đừng gọi tôi là mẹ nữa, tôi cũng không có đứa con gái như cô!”
Ồ, nghe ghê thật đấy?
Tôi giả vờ kinh ngạc, che miệng: “Thật ạ? Thế có phải là tiền cấp dưỡng cũng khỏi phải gửi luôn không?”
Sắc mặt bà ngoại và đám họ hàng xung quanh lập tức đen như đáy nồi. Tôi liền kéo tay mẹ: “Mẹ, mình đi lẹ đi, lỡ đâu họ đổi ý thì phiền!”
Ra khỏi cửa, tôi vừa dắt tay mẹ vừa thở dài cảm thán: “Con đã nói rồi mà, làm gì có chuyện một người từ khắc nghiệt tự dưng chuyển sang hiền lành được? Trừ phi có âm mưu từ trước! Đúng là một bữa tiệc gài bẫy!”
“Mẹ…”
Mẹ tôi định nói gì đó, nhưng chỉ khẽ lắc đầu, khóe mắt đỏ hoe: “Lỗi là ở mẹ.”
Người hiền lành luôn là người tự trách mình. Còn tôi, một thành viên chính hiệu của hội ‘văn học phát rồ’, thì không phí thời gian dằn vặt bản thân—tôi chỉ trút hết lên kẻ đáng bị nhận lấy!
Dì tôi vì đứa con trai yêu quý, cố tình lựa chọn tôi để “tặng quà”, mưu tính muốn bán tôi cho một ông chú ly dị có con riêng để đổi lấy lợi ích.
Tôi đương nhiên cũng phải đáp lại một món quà tương xứng!
Trên đường về, tôi lập tức dò được thông tin của gia đình bị Trương Văn Ức đâm trúng.
Tôi len lén nói cho họ biết—người gây tai nạn là kẻ mù màu, không đủ điều kiện thi bằng lái, hôm đó còn say xỉn.
Khuyên họ kiện tới cùng, cứ kiện, cứ đòi bồi thường, đảm bảo không trượt!
Cùng lúc đó, tôi cũng bảo mẹ rời khỏi cái nhóm gia đình “yêu thương nhau lắm” kia, chỉ để lại tôi ở lại.
Không còn mẹ giữ tôi lại, tôi có thể toàn quyền vùng vẫy.
Quả nhiên, vừa rời khỏi nhà bà ngoại, dì tôi lập tức bắt đầu màn than khóc trong nhóm.
Bà ta chụp lia lịa ảnh bàn ăn bị lật, thức ăn rơi vãi khắp sàn, chén bát đổ vỡ đầy nhà.
Trương Yến: “Mọi người mau vào xem đi, nhà họ Trương đời thứ ba xuất hiện một đứa bất hiếu phản tổ đây này!”
Trương Yến: “Tết nhất, về nhà bà ngoại mà làm loạn, mới nói vài câu đã lật bàn, chửi người, đúng là quá quắt!”
‘Thật là Thịnh Thư làm sao?’ – trong nhóm có người bán tín bán nghi.
‘Chuyện thật đấy! Bác cả, ông xem mẹ tôi bị nó chọc giận đến mức nào rồi?’
“Tách”—dì tôi lại gửi thêm một tấm bà ngoại ngồi ôm mặt lau nước mắt.
@Thịnh Thư, thật sự là cháu làm vậy sao? Cháu là con gái, toàn người lớn trong nhà, sao lại lật bàn, quá đáng lắm đấy!
‘Tôi bảo sao Trương Bình đột ngột im lặng rời nhóm, chắc xấu hổ quá nên trốn rồi!’
‘Con gái được chiều hư rồi, sau này ai mà dám lấy!’
Ngay lập tức, tôi và mẹ trở thành mục tiêu công kích tập thể.
Còn tôi? Bình tĩnh như thường, thậm chí còn có thời gian lục lại cuộc gọi mấy hôm trước của dì tôi—trong đó có đoạn bà ta bảo tôi đi nhận tội thay cho con trai bà.
Tôi đăng ngay đoạn ghi âm lên nhóm, rồi tag thẳng vào bác cả mắng tôi nãy giờ:
@Bác cả, năm nay lương hưu của bác chắc cũng khá ha?
Bác cả: “Mày muốn gì?!”
Tôi gửi thêm sticker mặt vô tội: “Con trai dì Yến, tức là em họ con, mới dính vụ không bằng lái, say rượu lái xe, đâm người. Tiền đền chắc không nhỏ đâu… Hay bác cả gom góp chút tiền giúp dì ấy đi ạ~”
Vừa đăng xong, cả nhóm bùng nổ.
“Gì cơ? Trương Văn Ức gây chuyện thật hả?!”
Tôi chẳng ngại thêm dầu vào lửa, tiện tay tag thêm vài người vừa mắng tôi như chém: @Dì Hai, @Bác Cả, @Chú Ba, các bác thương người thì gom góp giúp dì Yến vài chục triệu nhé, thương cháu lắm mà!”
Lập tức, nhóm chìm vào im lặng tuyệt đối.
Tôi tiếp tục “đổ xăng”: “Chú Ba ơi, nghe nói chị họ đậu bằng lái rồi đúng không? Hay là chị ra tay giúp luôn, đứng tên nhận tội thay cho em họ đi ạ?”
“Dù sao thì con gái cũng chẳng bằng được ‘con trai vàng của dòng họ’ đúng không?”
@Thịnh Thư, mày điên rồi hả?! Muốn tao nhận tội thay cho thằng vô dụng Trương Văn Ức á?!”
Chị họ nhà Chú Ba, người trước giờ luôn đứng ngoài coi kịch, lần này cũng không nhịn nổi mà nhảy dựng lên.
Nếu không phải cách cái điện thoại, chắc chị ấy đã muốn bay tới mà xé miệng tôi.
“Lúc lửa chưa bén đến thân thì ai cũng làm thánh. Nhưng khi bị nhắm vào, ai cũng nhảy dựng. Dì muốn tôi nhận tội, còn muốn gả tôi cho ông chú già có con riêng—tôi lật bàn thì đã sao?”
“Bớt đem đạo lý ra hù người khác đi, giỏi thì tự đi gánh giùm cái nợ đó giùm tôi cái!”
“Ai còn muốn làm anh hùng giúp dì tôi dọn đống lộn xộn này thì xin mời, đừng bắt người khác chịu thay!”
Y như tôi đoán—từ đó không ai dám đứng ra bênh dì tôi nữa.
Ai nấy đều hiểu rõ tính cách Trương Yến, sợ vừa dính vào là bị đeo bám như đỉa hút máu!
Dì tôi bắt đầu hoảng thật sự, vội vàng giải thích trong nhóm.
Nhưng tôi không để yên—lục lại hết các khoản chuyển khoản mấy năm qua mà bà ta vay mượn từ mẹ tôi, chụp màn hình, đăng hết lên nhóm.
Mượn thì nhiều, trả thì chẳng thấy lần nào.
“À mà nhắc trước luôn nha~ Đã cho dì vay tiền thì cũng chuẩn bị sẵn tinh thần không lấy lại được đi nhé~”
Cả nhóm vốn đang im ắng, giờ lác đác có người bắt đầu lặng lẽ... rời nhóm.
Dì tôi thì luống cuống đến mức như muốn quỳ xuống cầu xin hết người này đến người khác, mà khổ nỗi—một khi tiếng “mượn tiền không trả” đã lan ra rồi, còn ai dám dang tay giúp, còn ai dám cho bà ta vay thêm nữa?
Bình Luận
Vui lòng đăng nhập để bình luận.
0 Thảo luận