Cài đặt tùy chỉnh

Mục lục

Ông nội nói tôi đã cứu rỗi ông ấy

Chương 2

Ngày cập nhật : 03-05-2025

Ngay cả ông nội, cũng có phần bất ngờ với lựa chọn của tôi. Nhưng ông không quan tâm tôi có ý gì, dứt khoát kéo tôi đi luôn. Mẹ làm ra vẻ tử tế, giải thích với tôi: “Ba con với anh con hôm nay bận công việc quá, chờ lúc nào rảnh sẽ tổ chức tiệc chào đón con sau.” Kiếp trước, tôi đã tin thật, trong lòng mong ngóng mãi. Thế mà, đến tận lúc tôi chết, vẫn chưa bao giờ có cái tiệc đó. Ở kiếp này, tôi chỉ thờ ơ đáp lại: “Ờ, để tính sau.” Mặt mẹ lại lộ ra vẻ ngượng ngùng. Lúc tôi rời đi, Chu Nhã Linh còn ngẩng mặt lên cười đắc ý với tôi. Cô ta chắc nghĩ rằng mình đã thắng rồi. Nhưng sự thật là, ở kiếp này, tôi đã không còn mong chờ tình thân, cũng chẳng buồn tranh giành với cô ta nữa. Ông nội lái một chiếc xe cũ kỹ, sống trong căn nhà cấp bốn ở ngoại ô. Ông định nấu cơm. Nhưng tủ lạnh trống trơn, chẳng có gì cả. Ông bỏ ý định nấu ăn, nói sẽ đưa tôi ra ngoài ăn nhà hàng. Tôi nhìn thấy trong tủ lạnh vẫn còn mì, liền đề nghị nấu mì ăn cũng được. Ông trừng mắt nhìn tôi: “Bộ ông không nuôi nổi cháu chắc!” Rồi lại bắt đầu chuỗi càm ràm kiểu như mấy bà già hay kể khổ: “Cho nên mới nói nuôi con trai chẳng ích gì, toàn lũ vong ân bội nghĩa! Khi trong tay ông còn có của, con trai với con dâu ngày nào cũng bám như chó, đuổi không đi, giờ thì lừa ông giao hết tài sản, xong quay mặt chê ông phiền...” Những lời càm ràm này, kiếp trước cứ hễ gặp ông là tôi lại phải nghe, nghe riết thành quen. Nhưng mà, những điều ông nói, đúng là sự thật. Công ty và biệt thự mà ba mẹ ruột tôi đang có, thực ra là ông bà nội ngày xưa cùng nhau vất vả làm nên. Sau khi bà nội — người rất mạnh mẽ — mất vì bệnh, ba mẹ tôi liền ngày ngày đến trước mặt ông nội nịnh bợ lấy lòng. Làm ông cảm động đến mức không biết đâu mà lần. Cuối cùng, ngoài khoản lương hưu hàng tháng ra, ông nội không giữ lại được đồng nào, toàn bộ tài sản đều chuyển sang tên ba mẹ tôi. Chẳng bao lâu sau, ba mẹ bắt đầu tỏ thái độ ghét bỏ ông một cách rõ ràng hoặc ngấm ngầm. Ông chịu không nổi, thường xuyên cãi nhau với ba mẹ. Rồi ba tôi nhân cơ hội gây chuyện, tức giận đến mức đuổi ông ra khỏi nhà, còn đổi luôn mật khẩu cổng biệt thự. Ông nội là người cứng đầu, thế là mua căn nhà cấp bốn rẻ tiền ở vùng ngoại ô, sống một mình. Nhưng ông vẫn không buông bỏ được tình thân, nhiều lần hạ mình đến thăm họ, và lần nào cũng bị chọc tức đến mức kết thúc bằng một trận cãi vã. Kiếp trước, tôi đã nhìn ra, ba, mẹ, anh trai và cả Chu Nhã Linh, đều coi ông nội là người ngoài. Mà đã là người ngoài, thì họ sẽ không bao giờ chào đón. Chỉ là lúc ấy, tôi vẫn còn mơ mộng, không nhận ra rằng, thật ra tôi và ông nội giống nhau—đều là người ngoài, không thể chen chân vào cái “gia đình” ấy. May mắn thay, ông trời cho tôi cơ hội làm lại. Ở kiếp này, một nơi mà tôi không thể thuộc về, thì sẽ không còn là nhà của tôi nữa. Tôi sẽ không cố chen vào thêm lần nào nữa. Ông nội từng được ăn ngon mặc đẹp. Lần này, ông đưa tôi đến một nhà hàng cá nổi tiếng trong thành phố. Nơi này nổi danh với tiệc toàn món cá, cả thành phố đều biết đến. Nhưng vì chúng tôi đến muộn, nên nhà hàng đã hết cá. Đúng lúc đó, hai ông cháu bắt gặp gia đình mình. Bốn người trong nhà, bầu không khí hòa hợp vui vẻ, đang thưởng thức tiệc cá trọn vẹn. Trên bàn không chỉ có mẹ và Chu Nhã Linh, mà còn có cả ba và anh trai — những người vừa mới nói “bận công việc” đến mức không có thời gian gặp tôi. Vì lòng tôi đã nguội lạnh, nên khi thấy cảnh tượng đó, tôi cũng chẳng thấy đau lòng hay tức giận gì nữa. Nhưng ông nội thì đỏ cả mắt. Ông giận dữ bước tới, định lật bàn ăn. Nhưng bàn làm bằng đá cẩm thạch, rất nặng, ông không lật nổi. Ba tôi đứng dậy, kéo ông nội lại: “Chúng con cũng không cố ý đâu, lúc trước thật sự rất bận, định lúc rảnh thì dẫn cả Tiểu Tiếu và ba cùng đi ăn. Chẳng phải hai người đi mất rồi sao?” Mẹ tôi cũng tỏ vẻ oan ức, phụ họa theo: “Tiểu Tiếu không chịu nhận chúng con, ngay cả ở cùng nhà cũng không đồng ý, thì chúng con còn biết làm gì nữa?” Anh trai tôi, Chu Tuấn Bình, không nói lời nào, nhưng ánh mắt nhìn tôi thì sắc như dao. Để dẹp cơn giận của ông nội, mẹ bước đến nắm tay tôi: “Tiểu Tiếu, con đã đến rồi thì ăn chút gì đi.” Nhưng trên bàn lúc này, chỉ còn lại vài món thừa nguội lạnh. Tôi lạnh nhạt rút tay ra: “Không cần đâu, con không thích ăn cá.” Bầu không khí lập tức trở nên ngượng ngùng. Ba tôi đi tới, cố gắng cứu vãn tình hình: “Không thích ăn cá thì thôi, khỏi ăn cũng được. Tiểu Tiếu, ba đã lo được thư trúng tuyển vào trường Quốc tế cho con rồi — một trường quý tộc rất có tiếng, ba phải bỏ ra không ít công sức mới xin được. Dạo này con tranh thủ trau dồi thêm, sau này còn học chung với Linh Linh. Nhớ giữ gìn lời ăn tiếng nói, đừng để mất mặt nhà họ Chu.” Giọng ông ta ngạo mạn, như thể đang ban ơn cho tôi. Ông nghĩ tôi sẽ vui mừng khôn xiết, biết ơn ông vô cùng. Kiếp trước, tôi quả thật đã rất vui. Vì trường đó quá nổi tiếng, nếu không phải là con nhà giàu hay học sinh giỏi tuyệt đối thì không vào nổi. Thế là tôi đã đi học.
 

Bình Luận

0 Thảo luận

Test Modal