Cài đặt tùy chỉnh
Hạt gạo và viên ngọc trai
Chương 1
Ngày cập nhật : 28-01-20251
Mùa đông năm đó, trong làng có trận tuyết đầu tiên.
Mẹ nuôi đi ra sông giặt đồ thì thấy một bọc tã trôi từ thượng nguồn xuống.
Con sông hẹp này, mỗi khi nước dâng, thường cuốn theo không ít xác trẻ con.
Những con sóng trào lên, trắng xóa một vùng, đa phần đều là con gái.
Cái bọc tã đó trông rất dày, được quấn bằng vải tốt, bên trong còn có bông.
Mẹ nuôi dùng một cây gậy kéo nó lại, dự định nếu trong bọc là xác trẻ con thì sẽ chôn, còn vải và bông có thể mang về dùng.
Vừa lẩm bẩm “nghiệp chướng”, mẹ vừa đào một cái hố. Nhưng đúng lúc lớp đất đóng băng sắp phủ lên cơ thể tôi, tôi bỗng khua chân khua tay, yếu ớt bật khóc.
Mẹ giật mình, vội ôm tôi lên và quấn lại tã.
Mẹ đã cưới cha nuôi được năm năm nhưng mãi không có con, trước đây cũng từng nghĩ đến chuyện nhận nuôi một bé trai.
Nhưng thời đó, dù có khuyết tật thì con trai cũng hiếm ai nỡ cho đi.
Mẹ bỏ tôi vào thùng nước, mang tôi về nhà, rồi cho tôi ăn một chén cháo gạo loãng.
Tôi ăn xong liền nhoẻn miệng cười với bà.
Cha nuôi ngồi dưới ánh đèn dầu, hút điếu thuốc lào, nhìn tôi rất lâu rồi thở dài: “Thôi, đây cũng là duyên số cả.”
“Sau này đặt con bé là Hạt Gạo đi.”
Một cái tên mộc mạc, giản dị, dễ nuôi, dễ sống.
Cha nuôi người cao to, ít nói, mẹ nuôi thì nhỏ người, tính tình nóng nảy.
Cha nuôi bế tôi đi khắp nơi để xin sữa.
Các cụ trong làng nói tôi là đứa trẻ lớn lên nhờ sữa của cả trăm nhà, chắc chắn sẽ được nhiều phúc, sau này sẽ giàu sang phú quý.
Mùa hè, mỗi khi cha mẹ đi làm đồng, họ đặt tôi vào một cái thúng rồi để dưới bóng cây.
Có lúc, người bán hàng rong đạp xe ngang qua, cha nuôi sẽ mua hai que kem.
Một que cho tôi, một que cho mẹ nuôi.
Mẹ mắng cha tiêu xài hoang phí, nhưng rồi lại bẻ hơn nửa que của tôi đưa cho cha, bảo tôi ăn không hết, để tan ra thì phí lắm.
Lúc đó, tôi nghĩ rằng những ngày tháng sau này sẽ mãi êm đềm như vậy.
Nhưng đến năm tôi bốn tuổi, mẹ nuôi có thai.
2
Từ khi bụng mẹ nuôi ngày một lớn, những người cô bác trong làng thường hay trêu chọc tôi: "Đợi mẹ mày sinh em trai xong, chắc họ không cần mày nữa đâu."
"Con gái lại còn là đồ nhặt được!"
Tôi không tin. Tôi chạy một mạch về nhà, muốn được nghe cha mẹ khẳng định rằng tôi là con ruột, rằng tôi mãi mãi là đứa con cưng của họ.
Nhưng vừa qua cổng sân, tôi vấp ngã, mặt cắm thẳng xuống đất.
Sự sợ hãi và buồn bã khiến tôi khóc òa lên.
Khóc mãi, khóc mãi mà chẳng ai ra xem tôi ra sao. Tôi lau nước mắt, lén nhìn vào nhà, chỉ nghe thấy bên trong đầy tiếng cười nói rộn ràng.
Tôi nấc nghẹn, từng bước đi vào. Mẹ nuôi đang mệt mỏi dựa lưng vào giường, nhìn đứa trẻ bên cạnh mình bằng ánh mắt dịu dàng mà tôi chưa từng thấy bao giờ.
Bà vừa sinh xong, là một đứa con trai!
Mà đứa em trai ấy được quấn trong chiếc tã ngày xưa tôi từng nằm.
Có những câu hỏi nghẹn trong cổ họng, tôi không dám thốt ra, chỉ biết nuốt ngược vào lòng.
Mẹ ở cữ không thể đụng nước, mà cha nuôi thì vốn không biết giặt giũ.
Công việc ấy rơi vào tay tôi.
Khi ấy là mùa đông, tôi ôm một chiếc thùng nhựa to gần bằng người mình, bên trong nhét đầy quần áo của cả nhà.
Nước đóng băng trên mặt, tôi phải dùng đá đập cho băng vỡ rồi mới giặt được. Sau đó, tôi lấy chày đập đồ lên xuống, liên tục đến khi đồ sạch.
Quần áo mùa đông rất dày, ngấm nước rồi nặng hơn cả tôi.
Giặt xong, áo bên trong của tôi ướt đẫm mồ hôi, nhưng tay thì ngâm lâu trong nước lạnh đến mức đỏ tấy, sưng phồng, trông như mười củ cà rốt.
Dù vậy, mẹ nuôi vẫn nhíu mày mắng: "Nuôi ăn, nuôi uống, vậy mà một cái áo cũng không giặt sạch được?"
Những quả trứng trong nhà không bao giờ còn phần tôi. Cha nuôi cũng chẳng mua mạch nha hay tàu hũ cho tôi nữa.
Tôi bị dọn từ chiếc giường của cha mẹ sang một chiếc giường nhỏ trong kho chứa củi.
Nhà kho gió lùa tứ phía, đêm đông lạnh lẽo, tôi nằm nghe tiếng em trai khóc ré, xen lẫn tiếng cha mẹ âu yếm dỗ dành.
Đến nửa đêm, tôi thiếp đi trong cái lạnh. Sáng dậy, gối ướt nhẹp một mảng.
Những câu hỏi tôi từng ao ước hỏi, giờ chẳng cần thiết nữa.
Trưởng thành, đôi khi chỉ là chuyện xảy ra sau một đêm.
Tôi không dám nghịch ngợm nữa, chỉ biết chăm chỉ làm lụng: cho lợn ăn, chăm gà, giặt giũ, nấu nướng. Tôi trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn nhất trong làng.
Nhưng dù vậy, mẹ nuôi vẫn tìm được đủ lý do để trách móc tôi.
Em trai bị cảm lạnh, là lỗi của tôi.
Cha nuôi ngã gãy chân, là lỗi của tôi.
Gà trong nhà bị dịch, vẫn là lỗi của tôi.
Thóc lúa thu hoạch kém, cũng là vì tôi.
Tôi không được ăn no, không có áo mặc đủ ấm, sống lén lút từng ngày.
Cho đến tháng Chạp năm ấy, bác trưởng thôn cùng thầy hiệu trưởng trường làng đến tận nhà tôi.
Tôi đã sáu tuổi, họ đến để khuyên cha mẹ tôi cho tôi đi học.
Đây là lần thứ ba. Hai lần trước, cha mẹ nuôi đều từ chối với lý do tôi còn quá nhỏ.
Nhưng lần này, bác trưởng thôn đe: "Giáo dục bắt buộc là chính sách của Nhà nước, ai không tuân theo có thể bị phạt, thậm chí ngồi tù."
Đêm ấy, cha mẹ nuôi cãi nhau.
3
Bức tường đất chẳng cách âm, không ngăn nổi tiếng nói chói tai của mẹ nuôi: "Tiền học một học kỳ những 200 tệ đấy! Có 200 tệ để dành nuôi Tiểu Hổ (em trai) chẳng phải tốt hơn sao?"
Cha nuôi cố cất giọng ôn hòa: "Ông Bí thư Vương nói rồi, không cho nó đi học là phạm pháp."
Mẹ nuôi im lặng một lát, sau đó lí nhí: "Nhỡ đâu... nhỡ đâu nó đi lạc hoặc bị người ta bắt cóc thì sao…"
Sáng hôm sau, khi tôi mở mắt ra, cha nuôi đã ngồi sẵn bên giường.
Ông nhìn tôi rất lâu, rồi trầm giọng nói: "Dậy đi, con không phải luôn tò mò huyện thành trông ra sao à?"
"Hôm nay ba dẫn con đi xem thử."
Tôi từng nhìn thấy những tòa nhà cao tầng trong thành phố qua chiếc TV nhỏ của nhà hàng xóm, nhưng huyện thành không giống như tôi tưởng tượng.
Bầu trời mờ mịt, xám xịt; gió lạnh thổi qua mặt, buốt như dao cứa. Khắp nơi đều toát lên vẻ ảm đạm, tiêu điều.
Cha nuôi bất chấp sự từ chối của tôi, ghé vào một tiệm tạp hóa nhỏ mua cho tôi năm gói bột mơ chua và năm gói kẹo Hoa Hoa Đan.
Ngay trước cửa tiệm có một bệ đá, ông ấn tôi ngồi xuống đó rồi bảo: "Ba phải đi mua vài thứ, con ngồi đây chờ. Ăn xong hết đống này, ba sẽ quay lại đón con."
Không xa chỗ tôi ngồi, một người đàn ông quần áo chắp vá dắt theo một con chó, vừa rao to: "Bán chó đây! Chó nhà nuôi, rẻ lắm!"
Tôi nhìn quanh dòng người tấp nập, rồi lại nhìn con chó đen đang nằm trên đất. Nó cũng quay đầu nhìn tôi, khóe mắt ươn ướt như đang khóc.
Cha nuôi vừa quay đi, tôi lập tức níu lấy tay áo ông, khẩn thiết cầu xin: "Ba, lớn lên con nhất định sẽ hiếu thảo với ba. Ba đừng quên quay lại đón con nhé!"
Cha nuôi quay đầu, đôi tay run rẩy khẽ chạm vào mặt tôi. Đôi mắt ông đỏ hoe, vành môi run rẩy như muốn nói gì đó nhưng lại không thốt ra nổi.
Rồi ông gạt tay tôi ra, bước vào dòng người và biến mất.
Đến khi mặt trời lặn, con chó ấy vẫn chưa có ai mua.
Người đàn ông bực bội, dẫn nó đi, vừa đi vừa mắng chửi, còn đá vào nó mấy cái.
Nhưng con chó vẫn không ngừng vẫy đuôi, hí hửng chạy theo ông ta, còn quay đầu thè lưỡi liếm môi nhìn tôi, như muốn vẫy chào lần cuối.
Bạn thấy đấy, ngay cả một con chó cũng hạnh phúc hơn tôi.
Cả ngày đứng trong gió lạnh, không có gì để ăn, đến khi ánh mặt trời cuối cùng tắt đi và bóng tối bao trùm khắp nơi, tôi cảm thấy choáng váng, hai mắt tối sầm lại và ngã gục xuống đất.
Bình Luận
Vui lòng đăng nhập để bình luận.
0 Thảo luận