Cài đặt tùy chỉnh
Hạt gạo và viên ngọc trai
Chương 2
Ngày cập nhật : 28-01-20254
Tôi đã nghĩ mình sẽ chết cóng trong mùa đông lạnh buốt này.
Nhưng không ngờ khi tỉnh lại, tôi lại đang nằm trong một chiếc chăn ấm áp.
Hóa ra, cô chủ tiệm tạp hóa - cô Trương - đã nhận tôi về.
Cô là người nóng tính nhưng rất nhiệt tình. Ngay khi tôi tỉnh, cô liền pha cho tôi một tô mì ăn liền vị nấm hầm gà Khang Sư Phụ, còn thêm hẳn hai cây xúc xích.
“Ăn nhanh cho nóng nào!”
Tôi lặng lẽ ăn hết cả tô mì. Sau đó, cô nhanh nhẹn chải đầu buộc tóc cho tôi, rồi hứa sáng mai nhất định sẽ đưa tôi về nhà.
Tôi quay sang nhìn chiếc bàn nhỏ bên cạnh giường.
Năm gói bột mơ chua và năm gói kẹo Hoa Hoa Đan vẫn còn nằm nguyên, chưa ai động đến.
Tôi thì thầm: “Con không có nhà. Họ không cần con nữa rồi.”
Không lâu sau, chú Châu - chồng cô Trương, người vừa đi nhập hàng về - cũng đã trở lại.
Tôi giả vờ nhắm mắt, nghe thấy cô Trương kéo chú đến cạnh giường, nói nhỏ: “Anh nhìn đi, con bé có giống Châu Châu nhà mình không?”
Chú im lặng hồi lâu, vừa xoa tay vừa đáp: “Sáng mai mình đưa nó đến đồn công an đi.”
Hôm sau, tôi ăn hết bánh bao thịt mà cô Trương mua, rồi được chú Châu chở bằng xe ba gác đến đồn công an.
Các chú công an liên lạc với cha nuôi của tôi.
Tôi ngồi trên chiếc ghế inox xanh ngả màu, lạnh buốt, chờ đợi cả ngày mà không thấy ông đến.
Khi trời gần tối, tôi nhìn qua cửa sổ, thấy cô Trương đi đi lại lại ở ngoài.
Tôi và cô chạm mắt nhau qua lớp kính. Tôi khẽ cười rồi cúi đầu xuống.
Khoảng mười phút sau, cô bước vào, kéo tay tôi và nói: “Đi thôi, về nhà với cô đã.”
Về lại cửa tiệm, chú Châu chỉ liếc mắt nhìn rồi nhíu mày: “Sao lại mang con bé về nữa?”
Cô Trương không hề ngại ngùng, xoa đầu tôi cười: “Thêm một miệng ăn cũng có đáng gì đâu.”
Tôi bắt đầu ở lại tiệm tạp hóa.
Gần Tết, cửa hàng rất đông khách. Tôi cố gắng hết sức để giúp đỡ.
Cửa hàng có đủ loại đồ ăn vặt, nhưng cô Trương bảo tôi muốn ăn gì cứ tự lấy.
Thế mà tôi chẳng dám đụng đến thứ gì.
Mỗi tối, cô Trương ôm tôi ngủ. Cô dùng đôi chân ấm áp của mình kẹp lấy đôi chân lạnh như băng của tôi.
Những hôm bận quá, cô không kịp nấu ăn, liền pha mì gói cho tôi. Nhưng cô luôn pha từ lô hàng mới nhập về. Nếu tôi lấy gói sắp hết hạn, cô sẽ giật lại và đổi gói khác.
Còn chú Châu, trái ngược với cô Trương, ít cười, và tôi rất sợ chú.
Ngày 23 tháng Chạp, chú đi nhập hàng lần cuối trước Tết.
Sau khi tôi và cô Trương giúp chú dỡ hàng, chú bỗng gọi tôi lại: “Chờ chút.”
Tôi giật mình, rụt rè nhìn chú.
Chú lấy từ túi ra một đôi găng tay hở ngón màu hồng và nói: “Cho cháu này!”
Tôi hoảng hốt lắc đầu từ chối, nhưng chú kiên quyết nhét đôi găng tay vào tay tôi.
Cô Trương nhanh tay bóc ra và đeo ngay cho tôi: “Đeo đi, tay con lúc nào cũng để trần, chẳng bao giờ lành nổi mấy vết tê cóng.”
Sự ấm áp từ đôi găng tay khiến các ngón tay bị tê cóng của tôi ngứa ngáy, còn trái tim thì như ngâm trong nước nóng: chua xót, khó chịu, mà cũng căng đầy cảm xúc.
Hai ngày sau, con trai của cô Trương trở về.
Anh là học sinh lớp 9 của một trường trọng điểm trong thành phố, học nội trú nên ít về nhà.
Anh về đến nhà khi trời đã tối.
Tôi cố gắng tỏ ra ngoan ngoãn, hiền lành, nhưng anh chỉ nhìn tôi lạnh lùng, rồi quay sang nói với cô chú: “Bố mẹ, Châu Châu đã mất rồi. Không phải con chó mèo hoang nào cũng thay thế được em ấy.”
Anh rất tức giận, đóng cửa rồi cãi nhau to với cô chú. Giọng anh vang lên rõ mồn một:
“Nuôi một đứa trẻ không giống như nuôi chó mèo! Bố mẹ đã hơn 40 tuổi, sức khỏe cũng không còn tốt. Sau này nó chẳng phải trở thành gánh nặng của con à?”
“Bố mẹ nhận nuôi nó mà có hỏi con có cần một đứa em gái không?”
“Ngày mai đưa nó đi! Đem đến đâu cũng được: đồn công an, cô nhi viện, hay trả nó về nhà cũ cũng được, nhưng không thể để nó ở đây!”
5
Quả nhiên, tình yêu mà tôi nhận được chẳng bao giờ lâu bền.
Tiếng cãi vã vẫn chưa dứt. Cô Trương và chú Châu là những người tốt, tôi không nên khiến họ khó xử.
Tôi tháo đôi găng tay hồng, đặt ngay ngắn lên bàn. Nhét năm gói bột mơ chua và năm gói kẹo Hoa Hoa Đan vào túi, rồi lặng lẽ bước ra khỏi cửa.
Con phố đêm thật rộng lớn.
Người đi đường thưa thớt.
Nhà nào cũng sáng đèn, ấm áp.
Thế giới này rộng lớn là thế, vậy mà chẳng có chốn nào dành cho tôi.
Tôi cứ đi mãi, không mục đích, cuối cùng cũng đến bờ sông.
Dòng nước đục ngầu cuộn chảy, như đang vẫy gọi tôi.
Con sông này chảy xuyên suốt cả huyện, sáu năm trước, mẹ nuôi đã vớt tôi lên từ dòng sông này.
Có lẽ, đây chính là nơi tôi thuộc về.
Tôi trèo lên lan can, dang rộng đôi tay.
Khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy mình như một chú chim nhỏ sẽ không bao giờ phải đau buồn nữa.
Bay đi thôi!
Tôi nghiêng người về phía trước.
Đúng lúc đó, một lực mạnh mẽ kéo tôi lại, ôm chặt lấy tôi và hất tôi ngã xuống đất.
Giọng nói giận dữ của Chu Du vang lên bên tai tôi: “Em điên rồi sao? Em định làm gì vậy?”
“Em mà chết rồi, ba mẹ anh phải làm sao? Anh phải làm sao đây?”
Tôi chỉ biết bất lực cúi đầu. Hóa ra, ngay cả khi chết, tôi cũng sẽ làm phiền người khác.
“Em không cố ý.” Tôi gượng đứng dậy, tránh ánh mắt của anh, giọng run rẩy: “Làm ơn cho em hỏi, cô nhi viện đi hướng nào ạ?”
Chu Du thở hổn hển, nhìn tôi chằm chằm.
Một lúc lâu sau, anh thả lỏng vai, giọng khàn đặc, pha lẫn nỗi buồn: “Đừng đến gần con sông này nữa. Châu Châu… chính là chết đuối ở đây.”
Anh kéo tôi, sải những bước dài.
Đi được một đoạn, tôi nhận ra điều gì đó không đúng: “Đây không phải đường đến cô nhi viện...”
“Em lớn thế này rồi, cô nhi viện sẽ không nhận đâu.”
Khi chúng tôi gần về đến nhà, đi ngang qua một nhà hàng, tôi nhìn thấy qua ô cửa kính lớn một cô bé trông như búp bê đang được mọi người vây quanh, thổi nến trên chiếc bánh kem phủ đầy kem tươi.
Cô bé ấy, trông thật hạnh phúc!
Tôi bất giác đi chậm lại.
Chu Du quay lại, thấy tôi đứng nhìn, anh hỏi: “Em chưa bao giờ ăn bánh sinh nhật à?”
Tôi lắc đầu.
“Sinh nhật em ngày nào?”
“Em không biết, em được nhặt về mà. Mẹ em nói hôm nhặt được em, trời vừa có trận tuyết đầu tiên của mùa đông.”
Trẻ con ở quê, chỉ cần được ăn no, mặc ấm đã là điều may mắn. Còn chuyện thổi nến hay ăn bánh kem, đó là thứ xa xỉ chỉ có bọn trẻ thành phố mới dám mơ đến.
Chắc trời thương tôi nên mới cho tôi sống đến giờ.
Tôi vừa nói xong, bầu trời lạnh lẽo chợt rơi xuống những bông tuyết đầu mùa, lả tả như những cánh hoa bay.
Chu Du đưa tay hứng lấy một bông tuyết vừa tan chảy trong lòng bàn tay: “Tuyết rơi rồi.”
6
“Đây là trận tuyết đầu tiên của mùa đông năm nay. Từ giờ, cứ trận tuyết đầu mùa sẽ là ngày sinh nhật của em.”
Chu Du rút từ túi ra một nắm kẹo sữa Đại Bạch Thố, đưa cho tôi: “Chúc mừng sinh nhật, Châu Châu!”
Khi chúng tôi về đến nhà, cô Trương cũng vừa đội tuyết trở về.
Cô vừa mắng tôi té tát, vừa ôm tôi vào lòng khóc nức nở.
Chu Du lại đi ra ngoài. Không lâu sau, anh quay về với một chiếc bánh kem nhỏ, chỉ bằng cái bánh trung thu, trong tay: “Bánh sinh nhật phải đặt trước, không kịp nữa, dùng tạm cái này nhé.”
Cô Trương nấu cho tôi một tô mì thật to, trên mặt nổi hai quả trứng vàng óng.
Chú Châu lúng túng vỗ tay theo nhịp, như để hát mừng sinh nhật.
Tôi thổi nến.
Căn phòng chìm vào bóng tối.
Nhưng lần này, tôi không còn thấy sợ hãi.
Bởi vì trong lòng tôi, đã có một ngọn đèn sáng lên.
Cô Trương mua cho tôi quần áo và giày mới. Tối 30 Tết, sau bữa cơm tất niên, cô và chú Châu mỗi người đưa tôi 10 tệ tiền lì xì.
Tôi chưa từng có nhiều tiền đến vậy.
Chu Du cũng tặng tôi một món quà: một con heo đất để tiết kiệm tiền.
Anh lắc nó một cái, bên trong phát ra tiếng kêu lách cách. Anh nói với vẻ kiêu ngạo: “Đó là 5 tệ tiền lì xì của anh, anh đã giúp em tiết kiệm trước rồi.”
Sau Tết, cô Trương cho tôi đến trường tiểu học học bổ sung.
Cô nắm lấy tay tôi, từng nét từng nét dạy tôi viết cái tên mới của mình lên bìa vở: Chu Châu Châu.
Chu Du mỗi lần gọi điện về nhà đều nói chuyện với tôi thật lâu. Lần nào về nghỉ, anh cũng mang theo quà cho tôi.
Những ngày tháng hạnh phúc trôi qua nhanh như bóng câu qua cửa, mới đó mà đã nửa năm.
Chu Du chuẩn bị thi vào cấp 3.
Lúc đó, tiểu học đã nghỉ hè. Hai đêm liền, tôi mơ thấy anh thi trượt, lòng cứ bồn chồn không yên.
Cuối cùng, tôi năn nỉ cô Trương đưa tôi lên thành phố để cổ vũ anh.
Cô vốn cũng lo cho anh, thế là bị tôi "xúi giục", vội vàng thu xếp rồi hai mẹ con lên đường.
Trường anh thuê nhà cho thí sinh, có chỗ ăn ở an toàn, nhưng đồ ăn thì... quả thực rất khó nuốt.
Chúng tôi thuê phòng trọ ngay gần đó. Cô Trương mua thức ăn, mượn bếp của chủ nhà để nấu, chuẩn bị những món ngon bổ sung dinh dưỡng cho anh.
Hai ngày thi trôi qua rất nhanh.
Khi Chu Du bước ra khỏi phòng thi, mặt mày trông rất tệ.
Chúng tôi ai nấy đều lo lắng đến chết lặng.
Bình Luận
Vui lòng đăng nhập để bình luận.
0 Thảo luận