Cài đặt tùy chỉnh

Mục lục

Đứa Trẻ Xấu Xí

Chương 1

Ngày cập nhật : 15-02-2025

1 Mẹ tôi hồi trẻ là mỹ nhân nổi tiếng cả vùng. Bố tôi cũng là một chàng trai khôi ngô. Anh trai và chị gái tôi là một cặp song sinh long phượng. Khi chào đời, vì quá xinh đẹp, cả bệnh viện đều xôn xao. Chính vì vậy, khi mẹ mang thai tôi ngoài ý muốn, mọi người đều khuyên bà giữ lại: "Hai đứa đầu đẹp thế, đứa thứ ba chắc cũng không tệ đâu." Nhưng tôi đã khiến tất cả phải thất vọng. Gương mặt, đường nét, làn da của tôi - tất cả đều chẳng thừa hưởng được chút nét đẹp nào từ bố mẹ. Tôi là đứa xấu nhất nhà. Trẻ con không biết che giấu yêu ghét. Từ nhỏ, bọn trẻ trong họ hàng chẳng mấy ai thích chơi với tôi. Còn bố mẹ tôi, họ luôn tự hào rằng mình có học thức, sẽ không vì ngoại hình mà thiên vị con cái. Nhưng mỗi lần ra đường, mẹ tôi lúc nào cũng chỉ đi bên cạnh chị gái. Nếu tôi chủ động khoác tay bà, bà sẽ không lập tức hất ra, nhưng chỉ vài phút sau, bà sẽ vô tình rút tay về. Ngay cả tài năng học hành dường như cũng ưu ái anh chị tôi hơn. Anh trai và chị gái thi đỗ vào trường đại học top đầu một cách dễ dàng, còn tôi thì ngay cả lớp chọn cấp hai cũng không vào nổi. Hôm tổ chức tiệc mừng đỗ đại học của anh chị, bố tôi uống hơi quá chén, trước mặt mọi người than thở: "Giá mà chỉ sinh mỗi Tiểu Cẩm và Tiểu Ngọc thì tốt biết mấy. Đáng tiếc lại có thêm Tiểu Kha." Mọi người xung quanh đều gật gù tán đồng. Tôi ngồi đó, cảm giác như bị kim châm vào da thịt. Bây giờ tôi đã quên mất, năm ấy - đứa trẻ mới 13 tuổi - đã làm cách nào để gắng gượng vượt qua buổi tiệc đó. Sau này, bố tôi biết mình lỡ lời, nghiêm túc xin lỗi tôi: "Bố diễn đạt không đúng. Tiểu Kha, con đừng để bụng." "Ý bố là, kỳ thi đại học không chỉ vất vả với học sinh mà còn khiến phụ huynh mệt mỏi. Tiểu Cẩm và Tiểu Ngọc đỗ rồi, nhưng bố vẫn không thể lơi lỏng. Bố còn phải dốc sức bồi dưỡng con nữa. Con đường phía trước còn dài lắm!" Tên của anh chị tôi - Cẩm (瑾) và Ngọc (瑜) - đều mang ý nghĩa là ngọc đẹp. Còn Kha (珂) của tôi, chỉ là một viên đá trắng có màu giống ngọc mà thôi. Bố mẹ có học thức, ngay cả đặt tên cũng đầy ẩn ý. Lý do xin lỗi, cũng bịa ra dễ dàng như vậy. Tôi giả vờ không để tâm: "Con biết bố không cố ý." …Không cố ý. Chỉ là lỡ nói thật lòng thôi. Năm tôi 15 tuổi, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày cưới, bố mẹ dẫn cả nhà đi chụp ảnh gia đình. Chị gái chụp lại một tấm từ máy ảnh của nhiếp ảnh gia, đăng lên mạng với dòng chú thích: "Một nhà năm người, bốn mùa hạnh phúc." Chỉ vài phút sau, bình luận đã tràn ngập. Phổ biến nhất là: "Bác trai bác gái trông thật phong độ!" Tiếp theo là: "Anh trai cậu đẹp trai quá, còn độc thân không?" Rồi có người hỏi: "Em gái cậu là con nuôi à? Sao trông chẳng giống ai trong nhà thế?" "Trước đây cậu bảo em gái mình xấu, tôi còn tưởng cậu khiêm tốn. Hóa ra là thật à?" Lúc đó, bố mẹ tôi vẫn đang bàn bạc với anh trai xem có nên đổi bối cảnh để chụp thêm một bộ ảnh nữa không. Tôi liếc thấy chị gái nhếch miệng, thẳng tay chặn người kia. Nhưng khi quay đầu lại, đối diện ánh mắt tôi, chị chẳng nói gì. Có lẽ, chị cũng chẳng cần phải giải thích điều gì cả. Việc tôi xấu là một sự thật hiển nhiên, giống như việc "trái đất hình tròn" vậy. Tranh cãi về chuyện này chẳng khác nào phí công vô ích. Thế nhưng, trong lòng tôi vẫn có chút hụt hẫng. Ít nhất… chị có thể nói giúp tôi một câu mà. Năm tôi học lớp 12, anh trai dẫn bạn gái về ra mắt bố mẹ. Không ai nhớ báo cho tôi biết. Lúc đó, tôi ở ký túc xá. Vì bị ốm nên về nhà sớm, tình cờ gặp chị dâu tương lai – Tô Duyệt. Rõ ràng, chị ấy rất ngạc nhiên. Vừa nhìn thấy tôi, chị lập tức cấu véo anh trai một cái. 2 "Từ trước đến nay anh toàn nhắc đến 'em gái' mà chẳng nói rõ là có đến hai người." Nghe vậy, Dương Cẩm lập tức giải thích: "Dương Kha học ở trường rất nghiêm, mấy tháng mới được về một lần. Sợ làm ảnh hưởng đến việc học của nó nên không gọi về." Mẹ tôi nhân cơ hội cười nói: "Vậy mà vẫn gặp được nhau, chứng tỏ Tiểu Kha và Duyệt Duyệt có duyên rồi." Tôi im lặng nuốt lại câu "Mẹ ơi, con đau bụng." Chỉ đành mang gương mặt sưng phù, nhợt nhạt vì ốm, ngồi cạnh Dương Ngọc – người luôn trang điểm kỹ càng, xinh đẹp. Dù không có gương, tôi cũng biết, sự đối lập này thảm đến mức nào. Nhân lúc Tô Duyệt đi vào nhà vệ sinh, tôi nhỏ giọng nói với mẹ: "Mẹ ơi, con đau bụng hai ngày rồi, mẹ có thể đưa con đi bệnh viện không…?" Mẹ lườm tôi: "Bị bệnh cũng không biết chọn lúc. Anh con dẫn bạn gái về, chuyện lớn như vậy, ai rảnh đưa con đi khám?" Tôi cắn môi: "Vậy… con về phòng nằm một lát cũng được." "Bớt vô lễ đi. Muốn để người ta nghĩ nhà mình không biết dạy con à?" Tô Duyệt là bạn học của Dương Cẩm. Dù ngoại hình không quá nổi bật, nhưng gia đình giàu có, tính cách hiểu chuyện, nên bố mẹ tôi khen không ngớt lời. Cuối cùng, buổi tiếp đón cũng kết thúc. Dương Cẩm đưa Tô Duyệt về, Dương Ngọc thì mở từng món quà chị ấy mang đến, còn bố mẹ mải bàn xem nhà Tô Duyệt ở xa như vậy có gây khó khăn gì không. Không ai nhớ ra tôi đang khó chịu. Mãi đến khi Dương Cẩm quay về. Anh vừa lái xe đưa Tô Duyệt về nhà. Định cởi áo khoác thì thấy tôi, nhíu mày: "Dương Kha, có cần anh đưa đi bệnh viện không?" Nói thế, nhưng anh lại tiện tay ném chìa khóa xe vào hộp đựng ngoài sảnh rồi bắt đầu thay giày. Rõ ràng là không có ý định ra ngoài nữa. Tôi xoa bụng. Cơn đau dần trở nên tê dại, có lẽ cũng không cần phải đi viện nữa. Dù tôi nhớ rất rõ, hồi trước mỗi lần Dương Ngọc đau bụng kinh, mẹ tôi đều đưa chị ấy đi hết thầy thuốc đông y này đến thầy thuốc đông y khác. Dương Ngọc sợ đắng, không chịu uống thuốc, mẹ tôi kiên nhẫn dỗ dành: "Ngoan nào, cơ thể là của con, chăm sóc tốt thì cả đời mới khỏe mạnh được." Nếu mẹ chịu quan tâm tôi bằng một nửa với Dương Ngọc, có lẽ tôi đã được chẩn đoán viêm ruột thừa mãn tính sớm hơn, và đã không cần phải phẫu thuật. Sau khi biết tôi bị bệnh, Tô Duyệt đặc biệt đến thăm. Chị ấy rất chu đáo, còn mang theo quà gặp mặt bù. Dưới ánh mắt của chị ấy, Dương Cẩm cười gượng với tôi: "Chuyện này là lỗi của anh, lúc nào cũng gọi 'em gái' mà không nói rõ, nên Duyệt Duyệt tưởng anh chỉ có một đứa em thôi." Tôi thừa hiểu, có lẽ Dương Cẩm chưa bao giờ nhắc đến tôi cả. Mà việc cả nhà không ai chủ động sửa lại sự hiểu lầm của Tô Duyệt, cũng đủ nói lên tất cả. Dù tôi là người mờ nhạt trong nhà, nhưng quà của Tô Duyệt lại khá có tâm. Là một bộ sữa rửa mặt và nước dưỡng trị mụn. Tuy nhiên, nó đến từ một thương hiệu nội địa nhỏ, chẳng mấy ai biết đến. Tô Duyệt ân cần nói: "Chị thấy em bị mụn khá nặng. Bộ này do em gái nhà hàng xóm của chị giới thiệu, đừng nhìn bao bì xấu mà coi thường, hiệu quả lắm đấy." Dương Cẩm bật cười: "Em lúc nào cũng thích mấy thứ kỳ lạ. Nó đang học lớp 12, đừng khiến nó phân tâm." Tô Duyệt phản bác: "Mỗi ngày chỉ mất năm phút rửa mặt bôi kem, vậy mà cũng ảnh hưởng sao?" "Da hết mụn, tâm trạng tốt lên, học hành cũng hiệu quả hơn chứ." Có lẽ do cơ địa, da của Dương Ngọc luôn trắng mịn không tì vết, còn trán tôi lúc nào cũng nổi mụn chi chít. Tôi đành để mái bằng dày cộm để che đi. Món quà của Tô Duyệt trông có vẻ hơi lạ, nhưng đó lại là thứ tôi thực sự cần. Tôi chân thành cảm ơn chị ấy. Sự quan tâm đặc biệt của Tô Duyệt khiến Dương Ngọc không vui. Dù sao, từ nhỏ đến lớn, chị ấy luôn là "công chúa" được mọi người chú ý nhất. Nhưng sau khi tra giá bộ mỹ phẩm, Dương Ngọc chỉ hờ hững buông một câu: "Đồ 200 tệ mà em cũng dám bôi lên mặt à?" "Không phải bảo Tô Duyệt là tiểu thư nhà giàu sao? Thế mà cũng tặng quà rẻ tiền thế này?" Tôi cẩn thận nhận lại hộp mỹ phẩm từ tay Dương Ngọc, thầm nghĩ… Ít ra, Tô Duyệt còn quan tâm tôi hơn chị. Bộ mỹ phẩm này tuy rẻ, nhưng lại rất tốt. Kiên trì dùng hai tháng, da tôi sạch mụn hẳn. Lần đầu tiên trong đời, tôi cắt mái xéo, để lộ trán và hàng lông mày. Dù ngũ quan vẫn còn nhiều khuyết điểm, nhưng ít nhất, tôi đã có thể mỉm cười với mọi người. 3 Mẹ tôi là một giảng viên đào tạo về nghi thức giao tiếp. Bình thường, chỉ cần Dương Ngọc đổi màu má hồng, mẹ tôi cũng nhận ra ngay. Hai mẹ con còn thường xuyên bàn luận về các kỹ thuật trang điểm. Nhưng tôi cắt mái đã ba ngày rồi, vậy mà không một ai trong nhà nhận thấy. Tôi vẫn còn một chút hy vọng, liền chủ động hỏi: "Mẹ ơi, mẹ thấy con có gì khác không?" Kết quả, tôi bị gạt ra. Mẹ cau mày khó chịu: "Công việc của chị con có chút vấn đề, mẹ đang đau đầu tìm cách giúp nó, con đừng làm phiền." Dương Cẩm học kinh tế, tốt nghiệp xong liền về làm việc tại công ty gia đình. Dương Ngọc học ngành Phát thanh – Truyền hình, nhưng sau khi ra trường, thi công chức không đậu, vào doanh nghiệp thì lại không muốn làm. Mẹ tôi luôn chạy vạy khắp nơi, tìm cách xin cho chị ấy vào làm ở đài truyền hình. Tôi lập tức mất hết hứng thú chia sẻ với gia đình. Từ đó về sau, dường như tôi không còn chủ động kể với họ bất cứ chuyện gì. Ngay cả điểm thi thử lần một và thi thử làn hai, họ không hỏi, tôi cũng chẳng buồn nói. Có lẽ tôi thật sự may mắn. Kỳ thi đại học năm đó, tôi bất ngờ làm bài vượt mong đợi, đỗ vào một trường danh tiếng. Khách quan mà nói, thậm chí còn tốt hơn trường của Dương Ngọc và Dương Cẩm. Ở quê tôi, thi đỗ đại học là một chuyện đáng chúc mừng. Hầu hết các gia đình đều tổ chức tiệc mừng, mời họ hàng bạn bè đến chung vui. Tôi nghĩ rằng, sau 12 năm đèn sách vất vả, ít nhất mình cũng xứng đáng có một buổi tiệc mừng. Nhưng mẹ lại áy náy bàn với tôi: "Tiểu Kha, hay là mình đừng tổ chức nữa nhé?" Lý do là gì? "Một năm rồi mà Tiểu Ngọc vẫn chưa tìm được việc. Nếu mình tổ chức tiệc, họ hàng chắc chắn sẽ hỏi han chuyện này, nó sẽ cảm thấy mất mặt, tâm trạng lại càng tệ hơn." "Con hiểu cho chị con một chút nhé." Tôi im lặng rất lâu, không nói một lời. Tôi phải hiểu cho chị, nhưng chị có bao giờ hiểu cho tôi không? Mùa hè đáng lẽ phải vui vẻ, vậy mà đối với tôi, nó lại trở thành một nỗi u ám. Tôi vẫn đi dự tiệc mừng của bạn bè như bình thường, nhưng mỗi khi họ hỏi, tôi chỉ có thể cười gượng rồi nói dối rằng bố mẹ vẫn đang chọn ngày tổ chức. Đến gần cuối tháng 8, không thể kéo dài thêm được nữa. Tôi ngày nào cũng lo lắng không biết nên tìm lý do gì để tiếp tục chống chế. Bất ngờ một ngày nọ, mẹ nói rằng bà quyết định sẽ tổ chức tiệc mừng cho tôi. Tôi vui sướng đến phát cuồng, đồng thời cũng thấy thắc mắc. Không phải trước đó mẹ nói vì chị nên tôi không thể có tiệc sao? "Chị con tìm được việc rồi, nó không cần lo bị người ta bàn tán nữa." Mãi lúc này tôi mới biết, mẹ đã tốn bao nhiêu công sức mới có thể đẩy Dương Ngọc vào đài truyền hình. Nhưng dù sao đi nữa, có tiệc vẫn là tốt. Tôi không có nhiều quần áo đẹp, còn Dương Ngọc thì vì học ngành phát thanh – truyền hình nên có đủ loại váy áo lộng lẫy. Mẹ muốn tôi mượn một chiếc váy cũ của chị để tôi mặc, nhưng tôi bướng bỉnh đòi tự mua một cái mới. Cuối cùng, sau khi năn nỉ mãi, tôi cũng được mua một chiếc váy suông màu trắng. Về đến nhà, tôi nhìn thấy Dương Ngọc đang đứng trước gương, mặc một chiếc váy đuôi cá ôm sát màu trắng với những đường cắt tinh tế. Chị ấy kéo nhẹ phần eo váy, tự nhận xét: "Cũng ổn đấy, không cần bóp eo thêm. Ngày mai mặc bộ này vậy." Chiếc váy gợi cảm, nổi bật, hoàn hảo tôn lên vóc dáng quyến rũ của chị ấy. Xưa nay, tôi luôn lép vế trước chị gái xinh đẹp chói lóa của mình. Nhưng khoảnh khắc đó, sự tự ti của tôi đạt đến đỉnh điểm. Tôi siết chặt túi đựng váy trong tay, như thể chỉ cần làm vậy, tôi có thể níu giữ chút tôn nghiêm cuối cùng của mình. Tôi dè dặt hỏi: "Chị ơi, em muốn nhờ chị một chuyện. Ngày mai chị có thể không mặc bộ này không?" "Tại sao?" Dưới ánh mắt sắc bén của Dương Ngọc, tôi cố lấy dũng khí nói: "Nó quá nổi bật. Nếu chị mặc thế này, mọi người sẽ chỉ chú ý đến chị. Nhưng… đây là tiệc mừng của em mà…" Càng nói, tôi càng thấy chột dạ, cảm giác như mình vừa làm sai chuyện gì đó. Dương Ngọc bỗng bật cười. Sau đó, chị tao nhã dùng ngón tay quệt nhẹ khóe mắt, lau đi giọt nước mắt do cười quá nhiều, rồi bước đến, đẩy tôi đứng trước tủ quần áo của chị. Chỉ vào hàng loạt bộ váy lộng lẫy bên trong, chị nói: "Em không muốn chị mặc bộ này đúng không? Được thôi, chị có rất nhiều váy, cứ tùy ý chọn một cái khác đi." Từ khi chị ấy thất nghiệp, tính tình càng trở nên khó đoán. Ai cũng không dám chọc vào, vì nếu làm chị ấy tức giận, chắc chắn sẽ bị trả đũa gấp bội. Miệng lưỡi của chị ấy rất sắc bén, có thể khiến người ta khó chịu đến phát khóc. Tôi sợ làm chị phật ý, vội vàng lùi bước: "Chị, chị không đổi cũng được mà…" "Đổi chứ, sao lại không đổi?" Dương Ngọc nói với giọng điệu dửng dưng như thể đó là lẽ đương nhiên, nhưng ánh mắt lại lộ vẻ khinh thường: "Nhưng chị nói trước nhé - dù chị có mặc gì đi chăng nữa, mọi người cũng chỉ nhìn chị thôi." "Dương Kha, em tin không? Kể cả chị có quấn một mảnh vải rách lên người, thì mọi ánh mắt vẫn sẽ dồn vào chị, chứ không phải em."
 

Bình Luận

0 Thảo luận

Test Modal