Cài đặt tùy chỉnh

Mục lục

Nhà Không Dành Cho Tôi

Chương 2

Ngày cập nhật : 19-02-2025

4 Từ nhỏ đến lớn, tôi đã nghe rất nhiều cô gái than thở về việc gia đình phân biệt đối xử giữa con trai và con gái. Khi kể những chuyện này, họ vừa phẫn nộ vừa bất lực. Sự phản kháng non nớt nào có thể chống lại tư tưởng cũ kỹ ăn sâu bén rễ? Thế nên, họ đặt hy vọng vào thời gian "Lớn lên rồi, tôi sẽ rời xa nơi này, không bao giờ quay lại nữa." So với họ, tôi từng nghĩ mình may mắn biết bao. Tôi có một gia đình ấm áp, có bố mẹ yêu thương, có anh trai luôn nhường nhịn mình. Tôi đã từng tin rằng những ngày tháng như thế sẽ kéo dài mãi mãi. Cho đến hôm nay, tôi mới nhận ra, tất cả những gì tôi từng có… chỉ là một giấc mơ. Hiện thực nói với tôi rằng: "Tỉnh lại đi."  "Cốc cốc." Lâm Mỹ Mỹ mở cánh cửa mà tôi đã khóa trái, bưng một khay đồ ăn bước vào. Ha… Thì ra chìa khóa cũng đã giao cho chị ta rồi. Chị ta nở nụ cười giả tạo: "Hạ Hạ, dù có giận đến đâu cũng không thể bỏ bữa được, ăn một chút đi." Thấy tôi không phản ứng, chị ta lại dịu giọng: "Em không ăn, bố mẹ sẽ buồn đấy." Tôi nhìn chị ta, lạnh nhạt nói: "Lâm Mỹ Mỹ, trong phòng này chỉ có hai chúng ta, chị còn cần diễn nữa sao? Hay chị đang mong tôi cảm kích cái sự giả dối này?" Chị ta không trả lời. Chỉ chậm rãi nâng bát canh nóng trên tay lên tạt thẳng vào người mình. Sau đó, ánh mắt đầy thách thức nhìn tôi, rồi hét lên thất thanh: "A !"  Người đầu tiên lao vào là anh trai tôi, bố mẹ tôi cũng theo sát phía sau. Nhìn cảnh tượng trong phòng, cả ba người đều tròn mắt kinh ngạc. Anh tôi lập tức chạy đến bên Lâm Mỹ Mỹ, lo lắng hỏi: "Đau không? Anh đưa em đến bệnh viện." Nước mắt Lâm Mỹ Mỹ rơi lã chã, như thể rơi không tốn một xu. "Hạ Hạ, em vẫn còn giận chuyện ban chiều sao? Chị xin lỗi. Chị chỉ sợ em đói nên mới mang đồ ăn lên… Không ngờ em lại ghét chị đến mức này." Chị ta nghẹn ngào nói tiếp: "Anh ơi, em thấy em nên về nhà mẹ đẻ một thời gian, để tránh làm phiền Hạ Hạ." Anh tôi còn chưa kịp trả lời, bố tôi đã quát lên: "Đúng là coi trời bằng vung! Từ nhỏ nuông chiều mày quá rồi! Còn không mau xin lỗi chị dâu mày?!" Anh trai tôi nhìn tôi đầy trách móc. Mẹ tôi kéo tay tôi, cố dàn hòa: "Hạ Hạ, con mau xin lỗi chị dâu đi, bố con bị cao huyết áp, không thể tức giận được. Ngoan, nghe lời đi." Lúc này, tôi không còn tức giận nữa, mà chỉ thấy bình thản đến lạ. Tôi bước đến trước mặt Lâm Mỹ Mỹ. Anh tôi lo lắng chắn ngay trước chị ta, như thể tôi sắp làm gì đó nguy hiểm lắm. "Hạ Hạ, đừng quá đáng nữa." Tôi bật cười: "Quá đáng?" Ánh mắt tôi lướt qua anh trai, nhìn thẳng vào Lâm Mỹ Mỹ: "Người thực sự quá đáng là chị ta mới đúng. Tôi chỉ muốn hỏi, chị diễn trò này để làm gì?" Lâm Mỹ Mỹ sụt sịt: "Em đang nói gì vậy? Chị không hiểu…." "Giờ mà còn giả vờ sao? Trước khi cưới anh tôi, sao tôi không biết chị lại là kiểu 'trà xanh' thế này?" Anh tôi nhíu mày: "Hạ Hạ, đừng nói nữa. Dù gì cô ấy cũng là chị dâu em." Tôi nhếch môi: "Xin lỗi, tôi không có phúc làm em chồng của chị ta. Hôm nay chị ta có thể diễn trò trước mặt anh, ngày mai cũng có thể diễn trước mặt người khác. Lâm Mỹ Mỹ, không đi làm diễn viên thì đúng là phí cả tài năng đấy." Vừa dứt lời, một cơn gió lướt qua bên tai tôi. "Chát!" Một cái tát giáng thẳng xuống mặt tôi. Tôi sững sờ nhìn người vừa ra tay bố tôi. Ông lạnh lùng nói: "Thà mày đừng về còn hơn." Nói xong, ông quay người bỏ đi. Mẹ tôi cũng hoảng hốt trước hành động của bố, bà có vẻ muốn an ủi tôi, nhưng cuối cùng chỉ thở dài, rồi lặng lẽ rời đi theo ông. Anh trai tôi thì bận rộn lau sạch vết bẩn trên người Lâm Mỹ Mỹ, dịu dàng dỗ dành chị ta.  Căn nhà này. Những con người này. Bỗng dưng khiến tôi cảm thấy xa lạ và ngột ngạt đến đáng sợ. Chỉ cần ở đây thêm một giây nữa, tôi sẽ cảm thấy ghê tởm. Tôi lập tức đặt vé, rời khỏi đây ngay trong đêm.  Sau khi tôi đi, ngay cả đến đêm giao thừa, bố mẹ tôi và anh trai không một ai gọi điện cho tôi. Cuộc gọi duy nhất đến từ cô bạn thân Trần Khả Khả. Chúng tôi chúc nhau năm mới vui vẻ, rồi Khả Khả bắt đầu tám chuyện về những tin đồn trong quê. Giọng cô ấy khiến không khí Tết của tôi bớt cô đơn hơn một chút. Cũng nhờ cuộc trò chuyện này, tôi mới hiểu lý do Lâm Mỹ Mỹ luôn đố kỵ và căm ghét tôi. 5 Một tháng sau, mẹ tôi gọi điện đến. Bà nghẹn ngào nói: "Hạ Hạ, con mau về đi, bố con…" Bố tôi bị cao huyết áp, dù vẫn uống thuốc đều đặn nhưng lại không kiêng khem trong ăn uống. Ngày Tết toàn tiệc tùng, chuyện xảy ra vấn đề cũng dễ hiểu. Sau những chuyện đã qua, tôi đã cố thuyết phục bản thân rằng không nên lãng phí thêm chút tình cảm nào với họ nữa. Lý trí bảo tôi đừng quan tâm, nhưng tình cảm gia đình lại khiến tôi không thể buông bỏ hoàn toàn. Vậy nên tôi lập tức xin nghỉ để về nhà. Nhưng khi vừa mở cửa, nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, tôi mới biết mình ngây thơ và nực cười đến mức nào. Người mà tôi lo lắng suốt cả quãng đường đang ngồi ngay ngắn trên ghế salon, chậm rãi uống trà. Mẹ tôi nhìn thấy tôi, vui vẻ kéo vào nhà: "Ôi dào, Hạ Hạ về rồi! Đứng ngoài cửa làm gì, mau vào đi con!" Tôi cau mày: "Không phải mẹ nói bố…" Mẹ tôi phẩy tay, cười nói: "Bố con không sao cả. Là chị dâu con bảo phải nói nghiêm trọng chút thì con mới chịu về." Lại là Lâm Mỹ Mỹ. Mẹ tôi tiếp tục cười, kéo tôi về phía trước: "Để mẹ giới thiệu, đây là Trần Bằng." Bà đẩy nhẹ tôi lên một bước: "Tiểu Trần, đây là Hạ Hạ nhà bác." Người đàn ông đối diện nở nụ cười, đưa tay ra: "Chào em." Đến lúc này, dù có chậm hiểu đến đâu tôi cũng đã nhận ra. Bọn họ lừa tôi về, chẳng phải vì bố tôi có chuyện, mà chỉ vì muốn ép tôi đi xem mắt. Thấy tôi không phản ứng, mẹ tôi kéo áo tôi, nhỏ giọng nhắc nhở: "Người ta chào con kìa." Tôi nhìn người đàn ông trước mặt hói đầu, bụng bia. Người ta vẫn nói, đối tượng mà bố mẹ giới thiệu cho con gái chính là hình ảnh của con gái trong mắt họ. Hóa ra, trong mắt bố mẹ tôi, tôi chính là loại người chỉ xứng đáng với một người như vậy. Tôi cười nhạt, bình tĩnh nói: "Anh Trần đúng không? Xin lỗi, tôi không hề biết trước về buổi gặp mặt này. Hơn nữa, tôi theo chủ nghĩa không kết hôn, e rằng anh đã tốn công vô ích rồi." Không khí lập tức trùng xuống. Trần Bằng lúng túng nhìn về phía Lâm Mỹ Mỹ, ánh mắt như đang dò hỏi điều gì. Chị ta vội vàng cười giả lả: "Hạ Hạ đùa thôi, làm gì có ai không kết hôn bao giờ." Mẹ tôi cũng vội vã phụ họa: "Đúng thế, con gái mà không lấy chồng sinh con thì còn ra thể thống gì!" Tôi lắc đầu, giọng kiên định: "Con không đùa." Lâm Mỹ Mỹ cười gượng: "Đúng là chưa báo trước với Hạ Hạ, chắc em ấy chưa chuẩn bị tâm lý. Hay là hẹn dịp khác gặp lại?" Sau khi tiễn Trần Bằng về, mẹ tôi lập tức đổi sắc mặt, quở trách tôi: "Hạ Hạ, con làm sao vậy? Chị dâu con có lòng tốt giới thiệu người cho con, thế mà con lại làm anh ta mất mặt như vậy!" Tôi bật cười: "Con làm anh ta mất mặt? Thế đã ai hỏi con có đồng ý đi xem mắt không?" "Chúng ta cũng chỉ muốn tốt cho con thôi!" Lại là câu này. Câu bùa hộ mệnh của tất cả bậc phụ huynh, cứ viện cớ ‘vì con tốt’ mà muốn điều khiển cả cuộc đời con cái. Tôi lạnh nhạt hỏi: "Vậy con hỏi mẹ, anh ta bao nhiêu tuổi?" Mẹ tôi hơi chần chừ rồi đáp: "Năm nay 38, nhưng con biết đấy, người ta vẫn nói đàn ông 40 mới nở hoa mà!" Hơn tôi tận 13 tuổi. Tuyệt lắm. Tôi lại hỏi tiếp: "Anh ta đã từng kết hôn chưa? Có con không?" Lần này, mẹ tôi lúng túng hẳn: "Thực ra… anh ta đã từng ly hôn, có một đứa con trai." Lâm Mỹ Mỹ vội vàng chen vào: "Thế lại hay chứ sao! Đàn ông từng nuôi con rồi thì sau này em sinh con, anh ta cũng biết cách chăm con, đỡ cho em bao nhiêu việc." Nghe vậy, cơn giận trong tôi lập tức bùng lên: "Chị nói nghe hay quá nhỉ? Vậy sao lúc trước không đi lấy một người đàn ông đã ly hôn đi?" "Đủ rồi!" Từ đầu đến giờ vẫn im lặng, cuối cùng bố tôi cũng lên tiếng. Ông nghiêm giọng: "Dù gì thì Tiểu Trần cũng là ông chủ, sự nghiệp vững vàng, tính tình ổn định, bố thấy nó là người đáng tin cậy." Mẹ tôi cũng vội vàng tiếp lời: "Đúng thế, con thấy không, hôm nay Tiểu Trần đến còn mang cả tổ yến, hai chai Mao Đài nữa đấy, ra tay hào phóng lắm." Tôi cười lạnh: "Chỉ bấy nhiêu đó mà bố mẹ đã muốn ‘bán’ con gái mình sao?" Mẹ tôi gắt lên: "Cái con bé này nói gì mà khó nghe thế! Bán con gái gì chứ! Bọn ta chỉ nghĩ đến chuyện chung thân đại sự của con thôi!" Tôi kiên định nói: "Con đã nói rất rõ rồi, con không có ý định kết hôn. Bố mẹ đừng phí công vô ích nữa." "Nếu bố không sao cả, vậy con đi đây." Tôi dứt khoát xoay người, bước thẳng ra cửa. Bố tôi quát lớn từ sau lưng: "Nếu hôm nay con bước ra khỏi cửa, thì đừng bao giờ quay về đây nữa!" Tôi cười nhạt: "Vậy thì, con thà không làm con của bố mẹ." Thấy tôi cứng rắn như vậy, bố tôi tức đến tái mặt: "Chặn nó lại!" Ngay lập tức, mẹ tôi và Lâm Mỹ Mỹ nhào lên, mỗi người giữ chặt một cánh tay tôi. "Các người làm gì vậy?!" Tôi giãy giụa, nhưng sức tôi không đấu lại hai người họ. Bọn họ kéo tôi về phòng, khóa trái cửa. Tôi đập mạnh lên cửa, hét lên: "Thả tôi ra!" Bên ngoài, giọng bố tôi vang lên lạnh lùng: "Ở trong đó mà suy nghĩ lại đi. Khi nào chịu hiểu chuyện, thì ra ngoài!" Tôi nghiến răng, gào lên: "Các người đang phạm pháp đấy!" "Nhà này, tao chính là pháp!" Căn phòng chìm vào tĩnh lặng. Tôi hít sâu, ép bản thân bình tĩnh lại. Suy nghĩ đầu tiên gọi cảnh sát. Nhưng vừa rồi trong lúc giằng co, điện thoại tôi đã bị Lâm Mỹ Mỹ giật mất. Tôi nhìn ra cửa sổ. Tầng quá cao, nếu nhảy xuống, dù không chết thì cũng tàn phế. Không còn cách nào khác, tôi chỉ có thể chờ xem bọn họ còn giở trò gì nữa. 6 Suốt ba ngày bị nhốt, Lâm Mỹ Mỹ và mẹ tôi thay phiên mang cơm cho tôi. Ngay cả khi tôi vào nhà vệ sinh, họ cũng đứng canh chừng, sợ tôi bỏ trốn. Đến khi Lâm Mỹ Mỹ lại mang cơm đến, tôi quyết định làm một giao dịch với chị ta. "Lâm Mỹ Mỹ, tôi biết chị muốn gì. Tôi có thể cho chị, nhưng chị phải thả tôi ra." Chị ta vẫn giả bộ ngây thơ: "Tôi muốn gì cơ? Sao tôi lại không biết nhỉ?" Tôi nhếch môi: "Tiền đền bù giải tỏa nhà cũ, tôi nói đúng không?" Hôm Giao thừa, Trần Khả Khả có nói rằng nhà cũ ở quê sắp bị giải tỏa. Dù chưa có thông báo chính thức, nhưng tin tức này đã lan truyền khắp nơi. Tiền đền bù ít nhất cũng phải vài triệu tệ. Lâm Mỹ Mỹ liên tục gây sự với tôi, chẳng qua là muốn chia rẽ tôi với bố mẹ, để khi đến lúc nhận tiền, tôi không còn phần. Việc chị ta nôn nóng muốn tôi đi xem mắt, tám phần là muốn tôi lấy chồng trước khi có thông báo chính thức, để có lý do gạt tôi ra khỏi danh sách nhận tiền. Tôi nhìn chị ta, bình thản nói: "Chúng ta làm một giao dịch. Chị thả tôi ra, tôi tự nguyện từ bỏ phần tiền đền bù của mình. Sao nào?" Lâm Mỹ Mỹ do dự vài giây: "Tôi lấy gì đảm bảo cô không nuốt lời?" "Tôi có thể viết giấy cam kết từ bỏ quyền lợi, thế được chưa?" Chị ta lại im lặng thêm vài giây, rồi cuối cùng cũng gật đầu. Sau khi tôi viết xong giấy cam kết, Lâm Mỹ Mỹ lập tức cất kỹ, như thể chỉ sợ tôi đổi ý ngay tức khắc.  Tối đó, đợi bố mẹ ngủ say, tôi lặng lẽ rời khỏi căn nhà đó. Trước khi đi, Lâm Mỹ Mỹ trả lại điện thoại cho tôi. Vừa bật máy lên, điện thoại báo tin nhắn và cuộc gọi tới dồn dập. Chính lúc này, tôi mới biết… Trong ba ngày tôi bị nhốt, bố tôi đã thay tôi nghỉ việc. Vì tôi không bàn giao công việc, nên sếp và đồng nghiệp đều tìm tôi khắp nơi. Nhưng điện thoại bị tịch thu, họ làm sao liên lạc được? Tôi lập tức gọi cho sếp, giải thích tình hình của mình. May mắn là sếp thông cảm, cho phép tôi tiếp tục làm việc nhưng yêu cầu tôi bắt kịp tiến độ ngay khi quay lại. Sáng hôm sau, mẹ tôi gọi điện. Tôi không cần nghĩ cũng biết bà định nói gì, thẳng tay tắt máy, chặn số.
 

Bình Luận

0 Thảo luận

Test Modal