Cài đặt tùy chỉnh

Mục lục

Không thể buông tay

Chương 3

Ngày cập nhật : 25-02-2025

9 Tôi nhấn vào trang cá nhân của Tô Diểu. Cô ta chỉ cài đặt cho phép xem bài viết trong ba ngày gần nhất. Nhưng chỉ một bài đăng duy nhất mà tôi có thể nhìn thấy cũng đủ để xác nhận rằng Tô Diểu trên tờ phiếu khám thai chính là cô ta. Trong bức ảnh, cô ta mặc một chiếc váy dài màu nhạt, bụng hơi nhô lên, thành kính quỳ trên tấm đệm trước tượng Phật. Hai tay chắp lại, mắt khẽ nhắm. Dòng caption dưới ảnh là: "Trái tim vốn bất an, nhưng ngay khoảnh khắc anh đặt lên đó một nụ hôn, mọi thứ bỗng trở nên bình yên. Em tin rằng thần linh sẽ ban cho chúng ta may mắn, đúng không?"  Cơn bão ập đến. Thế giới trong tôi sụp đổ, hoang tàn như một đống đổ nát. 10 Khi tôi trở lại phòng ngủ, Hứa Tri Sơn đã ngủ say. Một góc điện thoại của anh ta lộ ra dưới gối. Tôi nhẹ nhàng rút nó ra. Nhưng mật khẩu đã bị thay đổi. Tôi không còn mở được nữa. Đặt lại điện thoại về chỗ cũ, tôi ngồi xuống mép giường, lặng lẽ nhìn người đàn ông đang khẽ phát ra tiếng ngáy nhẹ.  Tôi gặp anh ta năm mười tám tuổi tại trường trung cấp. Năm hai mươi hai tuổi, bất chấp sự phản đối của gia đình, tôi kết hôn với người đàn ông này - người con thứ ba trong gia đình có bốn anh em trai. Hai người anh lớn của anh ta đều đã lập gia đình. Đến lượt anh ta, cha mẹ thậm chí còn không đủ khả năng xây nhà mới. May mắn khi đó, tốt nghiệp trung cấp xong, nhà nước vẫn còn chế độ phân phối việc làm. Sau khi kết hôn, tôi và anh ta sống trong hai ký túc xá sáu người được đơn vị làm việc cấp. Rốt cuộc, cha mẹ tôi vẫn không đành lòng. Sau khi bàn bạc với anh trai tôi, họ quyết định sang tên căn nhà trong thành phố cho vợ chồng tôi, còn họ chuyển về căn nhà cũ ở thị trấn. Tôi từ chối. Anh trai tôi cười, vỗ vai tôi bảo: "Dù sao anh vẫn chưa kết hôn, cùng lắm cứ ở vậy vài năm nữa. Biết đâu sau này anh kiếm được nhiều tiền, mấy căn nhà nhỏ thế này còn chẳng thèm để mắt tới." Vào thời điểm đó, sự thiên vị của cha mẹ và anh trai dành cho tôi khiến tôi vừa cảm kích vừa áy náy.  Những năm đầu sau kết hôn, cuộc sống vẫn tương đối ổn định. Nhưng đến năm 2000, công ty của tôi và Hứa Tri Sơn - giống như nhiều doanh nghiệp nhà nước khác - bắt đầu đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn. "Bát cơm sắt" bị phá vỡ. Chúng tôi, giống như hàng triệu người thất nghiệp khác, buộc phải bươn chải mưu sinh. Mở tiệm kim khí, bán trái cây, buôn tạp hóa… Mãi cho đến khi anh trai tôi - người đã nhiều năm lăn lộn ở thành phố ven biển - chỉ cho chúng tôi một con đường: Mở siêu thị. Vào đầu những năm 2000, dù trong thành phố đã có siêu thị, nhưng ở các vùng thị trấn, làng quê, hầu hết vẫn là các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, với mặt hàng hạn chế. Vậy nên, chúng tôi quyết định cầm cố căn nhà để vay vốn. Siêu thị đầu tiên được mở tại một thị trấn đông dân, có mức tiêu dùng tương đối cao. Từ đó, chúng tôi kiếm được số tiền lớn đầu tiên trong đời. Đến bây giờ, hệ thống của chúng tôi đã có hàng chục siêu thị lớn nhỏ, thậm chí mở rộng thêm chuỗi siêu thị thực phẩm tươi sống. Nhưng chỉ mấy câu ngắn ngủi thế này, làm sao có thể lột tả hết những gian khổ mà tôi đã trải qua trên hành trình đó? Khi khởi nghiệp, tôi phải vừa mang thai, sinh nở, vừa chăm con, vừa bận bịu với công việc. Cuộc sống đầy rẫy những vụn vặt, những mệt mỏi chẳng bao giờ dứt.  Người đàn ông trước mắt tôi… Từng là người đồng cam cộng khổ, cùng tôi lội qua bao bùn lầy để có được ngày hôm nay. Tôi đã nghĩ rằng chúng tôi sẽ nương tựa nhau đến già. Nhưng anh ta lại là người phản bội trước. Anh ta coi tất cả những gì tôi đã làm là vô nghĩa. Thậm chí, anh ta còn muốn đá tôi ra khỏi cuộc chơi. Vậy thì… Tôi cũng không cần phải níu giữ thứ tình nghĩa nực cười này nữa. 11 Hứa Tri Sơn nói rằng anh ta phải bắt chuyến bay lúc 9 giờ sáng. Trời vừa tờ mờ sáng, anh ta đã ra khỏi nhà. 9 giờ sáng, tôi bắt taxi đến công ty. Lúc này, anh ta hẳn đã lên máy bay, điện thoại vẫn đang trong chế độ máy bay. Hầu hết nhân viên trong công ty đều nhận ra tôi. Thấy tôi xuất hiện, ai nấy đều nhiệt tình chào hỏi, nhưng trong ánh mắt có chút khác lạ. Tôi không bận tâm, đi thẳng đến văn phòng tổng giám đốc của Hứa Tri Sơn. Thực ra, kể từ khi bị thương, tôi hiếm khi đến công ty. Mỗi lần ghé qua đều có Hứa Tri Sơn đi cùng, nhiều nhất cũng chỉ ở lại khoảng hai tiếng rồi rời đi. Sau khi vào phòng, tôi khóa trái cửa. Bắt đầu chậm rãi quan sát xung quanh.  Cách bài trí trong văn phòng đã thay đổi khá nhiều, xuất hiện thêm không ít món đồ mà giới trẻ yêu thích. Mô hình anime, tượng thỏ sứ dễ thương, gối ôm màu hồng mềm mại, chăn cashmere màu trắng sữa… Trên bàn cạnh ghế sofa thậm chí còn có một chiếc máy tạo độ ẩm tinh xảo, đẹp mắt. Tôi bước về phía căn phòng nhỏ ở góc văn phòng. Đó là nơi đặt hệ thống giám sát của phòng tổng giám đốc. Hứa Tri Sơn luôn muốn đảm bảo an ninh cho văn phòng, nhưng cũng muốn giữ sự riêng tư cá nhân. Vì vậy, hệ thống camera ở đây được lắp đặt độc lập. Tôi mở lên, bắt đầu xem lại toàn bộ các đoạn ghi hình gần đây. Theo dữ liệu từ hệ thống, trong 30 ngày gần đây, Tô Diểu gần như cứ hai, ba ngày lại đến công ty một lần. Mỗi lần đến, cô ta công khai ve vãn, đùa cợt thân mật với Hứa Tri Sơn ngay tại văn phòng. Bảo sao lúc nãy, nhân viên công ty lại nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ như vậy.  Lần gần nhất cô ta đến là ba ngày trước. Trong video, Tô Diểu cuộn tròn trong lòng Hứa Tri Sơn, khóc thút thít đến không thở nổi: "Tại sao chỉ số sàng lọc hội chứng Down của con chúng ta lại cao như vậy? Có phải nghĩa là em sẽ sinh ra một đứa ngốc không? Em không muốn đâu... Hức hức... Dựa vào cái gì mà thằng con của Lâm Du - một mụ đàn bà già cỗi - có thể đỗ vào Đại học Phục Đán, còn em thì chỉ có thể sinh ra một đứa đần độn chứ?" Hứa Tri Sơn vỗ về cô ta: "Ngốc ạ, đây chỉ là số liệu tham khảo thôi, phải làm xét nghiệm chuyên sâu mới có thể xác định được. Đừng tự dọa mình nữa." "Hơn nữa, em còn trẻ như vậy, cùng lắm thì... mình lại sinh đứa khác." Tô Diểu nức nở: "Chồng ơi, em sợ lắm... Nếu như..." Hứa Tri Sơn cúi đầu hôn lên môi cô ta.  Tôi tua nhanh đoạn video lên 32 lần tốc độ. Nhưng những hình ảnh thoáng qua trên màn hình vẫn khiến tôi buồn nôn đến mức suýt nôn khan.  Sau đó, Hứa Tri Sơn dịu dàng dỗ Tô Diểu ngủ. Anh ta cẩn thận kê gối dưới đầu cô ta, lấy chăn cashmere đắp lên người cô ta, rồi nhẹ nhàng vuốt ve bụng bầu đã hơi nhô lên. Tựa như đang nâng niu một món bảo vật vô giá.  Hai tiếng sau, Tô Diểu tỉnh dậy, uể oải vươn vai, thấy Hứa Tri Sơn vẫn ngồi bên cạnh, liền ôm lấy cổ anh ta, cọ cọ làm nũng. Hứa Tri Sơn hôn lên trán cô ta, dịu dàng nói: "Anh đã liên hệ với bệnh viện ở Hồng Kông rồi. Hai ngày nữa anh đưa em sang đó làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn. Nghe nói bên đó kỹ thuật tiên tiến và an toàn hơn nhiều." Tôi cười lạnh. Hóa ra… đây mới là lý do thực sự cho chuyến 'công tác Quảng Châu' của anh ta.  Tôi xóa toàn bộ dấu vết của mình trong hệ thống giám sát. Như dự đoán, vừa đáp xuống sân bay, Hứa Tri Sơn đã gọi ngay cho tôi. Anh ta nói đã nghe Tôn An kể lại rằng tôi ở trong văn phòng của anh ta rất lâu, liền chất vấn tôi: "Em vào đó làm gì?" Tôi cười nhẹ, cố ý nói với giọng thoải mái: "Không có gì đâu, ở nhà rảnh quá nên qua công ty ngồi một lát thôi." Thấy tôi không có gì bất thường, anh ta mới thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng còn dặn dò tôi: "Chăm sóc bản thân cho tốt. Em cũng sắp năm mươi tuổi rồi, đừng lao lực quá, chuyện công ty em đừng dính vào nữa." 12 Làm sao mà không đau, không buồn cho được? Người chồng tôi đã đồng cam cộng khổ suốt hơn hai mươi năm, lại xem tôi như con rối trong lòng bàn tay mà đùa giỡn. Những năm tháng tôi hết lòng hy sinh, tận tâm đồng hành, giờ đây lại trở thành lưỡi dao sắc bén, từng nhát, từng nhát cứa vào tim tôi.  Rời khỏi công ty, vừa bước xuống sảnh, điện thoại reo lên. Là con trai tôi gọi đến. Tôi không nghe máy ngay. Đợi đến khi điều chỉnh lại cảm xúc, hít sâu một hơi để giọng nói không còn khàn đặc, tôi mới gọi lại cho nó. "Sao thế? Lại hết tiền tiêu vặt rồi à?" Tôi đùa. "Mẹ à, chẳng lẽ con gọi cho mẹ là chỉ để xin tiền thôi sao? Con nhớ mẹ thật mà!" Nó cười hớn hở, giả bộ oan ức.  Con trai tôi rất giỏi giang, cũng rất độc lập. Tiền sinh hoạt, tôi chỉ cho nó 3.000 tệ mỗi tháng, nếu không đủ, nó phải tự đi làm thêm hoặc giành học bổng. Tôi muốn nó hiểu rằng, của cha mẹ vẫn mãi là của cha mẹ. Cha mẹ chỉ có thể hỗ trợ, còn khả năng của chính bản thân mới là điều quan trọng nhất.  Nó kể cho tôi nghe vài chuyện thú vị dạo gần đây, còn hào hứng khoe rằng đang theo đuổi một nữ sinh khoa Luật. Hai đứa gặp nhau qua một cuộc thi tranh biện của trường. Tôi lặng lẽ lắng nghe, mỉm cười. Nhưng có lẽ vì tôi vẫn chưa nói gì, nên nó chợt hỏi: "Mẹ, mẹ sao thế? Có phải ba lại làm mẹ buồn không?" Tôi hơi sững người. "Sao con lại hỏi vậy?" "Thế giới của mẹ chỉ có con và ba. Nếu con không làm mẹ giận, thì chỉ có thể là ba thôi." Mũi tôi bỗng cay xè, cổ họng nghẹn lại. Tôi siết chặt lòng bàn tay, cố giữ bình tĩnh. Rồi khẽ hỏi: "Cảnh Châu, nếu mẹ và ba ly hôn, con sẽ thế nào?" Con trai tôi im lặng thật lâu. Rất lâu sau, nó mới nhẹ giọng nói: "Mẹ à, mẹ đừng bao giờ vì con mà làm điều gì trái với lòng mình. Dù hai người có ly hôn, quan hệ huyết thống của chúng ta vẫn không bao giờ thay đổi. Cả hai vẫn là ba mẹ mà con yêu thương nhất. Nếu đây là quyết định mẹ đã suy nghĩ kỹ lưỡng, con sẽ không phản đối." "Con chỉ hy vọng… mẹ có thể sống vui vẻ." Nước mắt tôi trào ra, lặng lẽ lăn dài. Con trai tôi, quả nhiên là đứa trẻ mà tôi đã dạy dỗ nên. "Cảm ơn con, con trai của mẹ." Giọng tôi nghẹn lại.  Nếu lúc này, tôi vẫn còn do dự, nghĩ rằng vì con trai, mình sẽ ly hôn trong hòa bình… Vậy thì, tất cả những chuyện Hứa Tri Sơn làm sau này sẽ khiến tôi hoàn toàn từ bỏ suy nghĩ ấy. Tôi, Lâm Du, Chỉ có thể làm góa phụ! Tuyệt đối không ly hôn!
 

Bình Luận

0 Thảo luận

Test Modal